Lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình và những ý kiến trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận liên tiếp 2 đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2021 (lần lượt vào ngày 9-9 và 11-9) sau những thắng lợi ngoại giao khi hòa giải mâu thuẫn giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain.
Tổng thống Donald Trump đã 2 lần được để cử Nobel Hòa bình lần lượt vào năm 2018 và 2020

Tổng thống Donald Trump đã 2 lần được để cử Nobel Hòa bình lần lượt vào năm 2018 và 2020

Theo đó, người đầu tiên đứng ra đề cử ông Trump là nghị sĩ Christian Tybring-Gjedde, Chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng nghị viện NATO. Lần thứ 2 ông Trump được đề cử là bởi nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson. Theo ông Jacobsson, Tổng thống Mỹ xứng đáng với giải thưởng danh giá này nhờ nỗ lực kiến tạo hòa bình và phát triển kinh tế thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Kosovo và Serbia được ký kết tại Nhà Trắng gần đây.

Thông điệp kiến tạo

Thông điệp kiến tạo hòa bình hiện đang là nội dung chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Nổi tiếng là một tổng thống từng khiến thế giới lo ngại về nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân, tuy nhiên ông Trump gần đây đã trở nên mềm mỏng hơn với các đối thủ như Iran hay Trung Quốc. Hôm 15-9 vừa qua, Tổng thống Trump tiếp tục ghi điểm khi đứng ra làm trung gian chứng kiến buổi ký kết hiệp ước hòa bình lịch sử mang tên “Abraham” giữa Israel với UAE và Bahrain. Đây là thắng lợi ngoại giao mới nhất của ông chủ Nhà Trắng trong việc xử lý mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ tại vùng vịnh Ả Rập.

Một điều đặc biệt nữa, dù đối đầu và thường xuyên chỉ trích các chính sách của đảng Dân chủ, tuy nhiên ông Trump đã có động thái đặc biệt khi mời các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tới Nhà Trắng tham dự buổi ký kết trên. Đây là một cảnh tượng hiếm thấy, bởi trước đây ông luôn phản đối việc mời đảng đối lập đến các sự kiện tương tự. Ngoài ra, ông còn làm cầu nối hòa giải giữa Kosovo và Serbia - 2 quốc gia được xem là “không đội trời chung” tại vùng Balkan và theo đuổi thỏa thuận hòa bình toàn diện ở khu vực Afghanistan với tuyên bố sẽ rút toàn bộ lính Mỹ tại đây.

Hôm 12-9, Washington cũng gây bất ngờ khi tuyên bố rút gần một nửa binh sĩ khỏi Iraq. Những điều này đã trở thành minh chứng cho quyết tâm xây dựng hòa bình của ông Trump trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.

Một số hạn chế

Dù ông Trump đã đưa ra thông điệp kiến tạo hòa bình rõ ràng qua những bước đi của mình, song vẫn không ít ý kiến cho rằng những gì Tổng thống Mỹ đang làm là chưa hiệu quả. Ông Christopher Hill, một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ từng đóng vai trò trung tâm trong Hiệp định Dayton 1995 do Mỹ làm trung gian, giúp mang lại hòa bình cho Bosnia-Herzegovina, đã chế nhạo những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump là “thiếu nghiêm túc” và “không thể duy trì được lâu dài”.

Tờ New York Times chỉ ra thỏa thuận giữa Kosovo và Serbia còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, thỏa thuận trên yêu cầu cả Kosovo và Serbia công nhận Israel và mở cửa lại đại sứ quán ở Jerusalem. Đổi lại, Israel cam kết sẽ công nhận độc lập của Kosovo, điều vốn bị Serbia và nhiều nước khác trong khu vực phản đối. Vấn đề trên đang khiến Serbia do dự không biết có nên mở cửa đại sứ quán hay không. Nếu quyết định là không, thỏa thuận sẽ không đạt được. Bên cạnh đó, cách xử lý của Mỹ tại Afghanistan và Iraq cũng không được các nhà phân tích đánh giá cao.

Kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Trump đã không ít lần khiến thế giới lo sợ về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới khi đối đầu với Trung Quốc và Iran. Theo đó, ông Trump đã không ngần ngại đưa ra một loạt chính sách cấm vận đối với các công ty Trung Quốc do nghi ngờ việc Bắc Kinh mở rộng sự hiện diện quân sự tại nhiều nước Đông Nam Á thông qua các dự án xây dựng. Bên cạnh đó, việc Washington gây áp lực tối đa đối với Tehran đã khiến không ít nhà phân tích phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “ăn miếng trả miếng” gây bất ổn đối với hòa bình thế giới.

Một trong những con “át chủ bài” khác của ông chủ Nhà Trắng để nỗ lực giành được giải Nobel Hòa bình là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng dường như đã bị ngưng lại và không đạt được tiến triển gì mới. Năm 2018, Tổng thống Mỹ cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình sau khi trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết mâu thuẫn với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau gần 70 năm. Tuy nhiên, chỉ dựa vào điều đó đã không đủ giúp ông Trump đạt được giải thưởng danh giá này.