Lý do Hàn Quốc quay lại với điện hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang dốc toàn lực cho điện hạt nhân, cả trong và ngoài nước. Điều này đánh dấu sự đảo ngược đáng kể về mặt chính sách so với người tiền nhiệm, cho dù vẫn còn nhiều tranh luận về năng lượng nguyên tử.
Hàn Quốc đang đẩy mạng năng lượng hạt nhân trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài

Hàn Quốc đang đẩy mạng năng lượng hạt nhân trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài

Tổng thống Yoon Suk-yeol gần đây đã tới châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO, đồng thời tổ chức các cuộc họp để thúc đẩy công nghệ năng lượng hạt nhân của Hàn Quốc. Vấn đề đã được thảo luận với các nhà lãnh đạo của Ba Lan và Cộng hòa Czech, cả hai đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các nhà máy điện hạt nhân mới của họ, trong khi Anh, Romania và Hà Lan cũng được coi là những khách hàng tiềm năng. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giành được đơn đặt hàng cho các nhà máy điện hạt nhân”, ông Choi Sang-mok, Thư ký cấp cao về các vấn đề kinh tế của Tổng thống, nói với các phóng viên tại Madrid tuần trước. Thư ký Tổng thống đương nhiệm nói thêm: “Ngành công nghiệp hạt nhân trên thực tế đang trên bờ vực sụp đổ, nhưng hiện giờ chúng tôi có kế hoạch tiếp tục xuất khẩu điện hạt nhân”.

Mối quan hệ của Hàn Quốc với năng lượng hạt nhân khá phức tạp, Daul Jang, một nhà phân tích năng lượng hạt nhân của văn phòng Greenpeace ở Seoul nhận xét. “Hàn Quốc có lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 1978, nhưng ngay từ đầu đã có sự phản đối của những người sống gần nhà máy vì lo xảy ra tai nạn. Nước này đã xây dựng lĩnh vực năng lượng hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ, đảm bảo sự tự tin về độ an toàn và tin cậy. Trong khi vụ tai nạn năm 1986 tại nhà máy hạt nhân Chernobyl phần lớn bị bác bỏ là không thể xảy ra ở Hàn Quốc, nhưng thái độ đã thay đổi đáng kể sau sự cố động đất và sóng thần phá hủy 3 lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-Ichi ở gần Nhật Bản vào năm 2011”, ông Daul nói.

Cùng với đó, hàng loạt vụ bê bối lớn xảy ra tại các công ty trong lĩnh vực hạt nhân Hàn Quốc, bao gồm việc sử dụng thiết bị không đạt tiêu chuẩn trong các nhà máy, tham nhũng và bao che. Nỗi lo ngại dấy lên vào năm 2016, khi một trận động đất 5,8 độ richter - trận động đất lớn làm rung chuyển khu vực đông nam của bán đảo Triều Tiên, nơi tập trung phần lớn các nhà máy hạt nhân của quốc gia này. Trước phản ứng của dân chúng, ông Moon Jae-in đã đưa kế hoạch loại bỏ lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Hàn Quốc vào tuyên ngôn bầu cử của mình, giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017.

Khi lên nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã hủy bỏ 6 lò phản ứng đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Tuy nhiên, ý thức về ngành công nghiệp “đói” điện và thiếu tài nguyên thiên nhiên, ông cho phép tiếp tục vận hành 5 công ty khác. Chính bởi sự thay đổi quan điểm, cùng với những nỗ lực thúc đẩy công nghệ hạt nhân ra nước ngoài, ông Moon đã bị các đối thủ chính trị của ông, bao gồm cả ông Yoon Suk-yeol, phản đối.

“Việc đảo ngược về chính sách năng lượng hạt nhân đã gây ra rất nhiều bất bình trong cộng đồng. Khi công việc xây dựng các nhà máy bị tạm dừng, rất nhiều công ty địa phương nhỏ đang dựa vào các dự án đó đã phá sản và mọi người mất việc làm. Những người đó có lẽ đã bỏ phiếu cho ông Yoon trong cuộc bầu cử vừa qua và họ rất vui vì ông ấy lại chú trọng nhiều đến năng lượng hạt nhân”, ông Park Saing-in, nhà kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul nói.

Với việc thế giới đang tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân đang được chấp nhận như một loại năng lượng “xanh”, nhà kinh tế học Park Saing-in tin rằng lĩnh vực hạt nhân của Hàn Quốc đang có nhiều tiềm năng. “Đây là cơ hội tốt để xuất khẩu năng lực của Hàn Quốc sang các nơi khác trên thế giới”, ông nhận định.