Lý do cặp vợ chồng thượng nghị sĩ Nigeria bị bắt tại Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Thượng nghị sĩ Nigeria Ike Ekweremadu và vợ là bà Beatrice Nwanneka đã bị chính quyền Vương quốc Anh bắt giữ vì tội buôn người. Ngoài ra, họ còn bị cáo buộc âm mưu đưa một đứa trẻ vào Anh “nhằm mục đích mổ cướp nội tạng”.
Vợ chồng Thượng nghị sĩ Ekweremadu đều là những nhân vật có tiếng tại Nigeria

Vợ chồng Thượng nghị sĩ Ekweremadu đều là những nhân vật có tiếng tại Nigeria

Thông tin được truyền thông Anh dẫn thông báo của Cảnh sát Thủ đô London ngày 23-6, ngay sau khi cặp đôi bị bắt khi mang theo một bé trai vô gia cư 15 tuổi đến Anh. Hai người bị bắt giữ tại sân bay Heathrow trước khi bay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng ngày, ông Ekweremadu (60 tuổi) và vợ Beatrice Nwanneka Ekweremadu (55 tuổi) ra hầu tòa ở London vì âm mưu sắp xếp hoặc tạo điều kiện cho người khác “nhằm mục đích bóc lột, cụ thể là mổ cướp nội tạng” - cảnh sát cho biết.

Ông Ekweremadu là một Thượng nghị sĩ đối lập ở bang Enugu, miền nam Nigeria. Ông được bầu làm Thượng nghị sĩ Nigeria từ năm 2003 và phục vụ 3 nhiệm kỳ, trong đó giữ chức Phó Chủ tịch Thượng viện Nigeria từ 2007 đến 2019. Trước khi tham gia chính trường, ông là một luật sư. Cả ông và vợ đều là những nhân vật có tiếng tại quê hương châu Phi.

Những cáo buộc được đưa ra sau cuộc điều tra của Đội điều tra tội phạm đặc biệt, đơn vị chuyên xử lý các vụ trọng án của Cảnh sát London. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra vào tháng trước, sau đó nhận thấy tội ác theo kiểu nô lệ hiện đại có thể xảy ra. Hiện bé trai đã được “bảo vệ an toàn”, đồng thời lực lượng này đã “làm việc chặt chẽ với các đối tác để tiếp tục hỗ trợ nạn nhân”. Sự việc đang trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng hình sự nên chi tiết vụ việc chưa được tiết lộ thêm. Cặp đôi đã bị giam giữ cho đến khi họ tiếp tục ra tòa trình diện vào ngày 7-7. Công tố viên Damla Ayas cho biết, ông Ekweremadu phủ nhận các cáo buộc buôn người. Vợ ông, một nhân viên kế toán, cũng phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Chính trị gia Ekweremadu gần đây đã được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Lincoln. Một phát ngôn viên của trường đại học cho biết: “Các giáo sư thỉnh giảng như trong trường hợp này thường không thường trú tại trường đại học, không được trả lương. Chúng tôi vô cùng lo ngại về cáo buộc này nhưng vì sự việc đang trong giai đoạn điều tra, chúng tôi không thể bình luận gì thêm”.

Các cơ quan thực thi pháp luật của Anh gần đây truy quét mạnh hành vi cưỡng ép để lấy nội tạng. Tháng 4-2022, Anh đã thông qua luật nhằm chặn đứng chợ đen mua bán nội tạng trái phép với những người Anh sang nước ngoài để cấy ghép nội tạng, một hoạt động được gọi là “du lịch nội tạng”. Mặc dù việc mua bán nội tạng ở Anh đã bị đặt ngoài vòng pháp luật, nhưng các quy định mới vẫn được đưa ra trong bối cảnh các báo cáo đáng lo ngại về tình trạng buôn bán nội tạng bùng nổ trên khắp thế giới trong những năm gần đây. Debbie Ariyo - Giám đốc điều hành của Tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em châu Phi bị lạm dụng (có trụ sở tại London), cho biết: “Buôn bán nội tạng là một vấn đề lớn ở Nigeria. Đây là vụ truy tố đầu tiên ở Vương quốc Anh mà tôi biết”.

Một báo cáo của Interpol năm ngoái cho thấy, nạn buôn người để lấy nội tạng là một mối quan tâm đặc biệt ở miền Bắc và Tây Phi, nơi các cộng đồng nghèo khó và dân cư phải di dời có nguy cơ bị bóc lột cao hơn. Trong tuần qua, một bệnh viện ở Kenya đã phải đưa ra tuyên bố công khai yêu cầu mọi người ngừng hỏi nhân viên y tế rằng, họ có thể bán thận được bao nhiêu tiền.