Luyện thi hay… luyện chơi?

ANTĐ - Sáng 21-6, tại một trung tâm luyện thi trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, hà Nội vừa bước vào lớp được 15 phút, 3 học sinh đã rủ nhau… đánh bài chuồn. Vẫy tay gọi một chiếc taxi ven đường, những sĩ tử này yêu cầu lái xe chở đến một quán karaoke trên phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa.

Thích chơi hơn học

Càng sát đến ngày thi ĐH, lượng sĩ tử đổ về Hà Nội ngày càng đông

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kỳ thi vào ĐH sẽ diễn ra, đối với hầu hết học sinh, đây là thời gian nước rút để ôn tập củng cố kiến thức. Tuy vậy, vẫn còn không ít sĩ tử lấy tiếng lên thành phố luyện thi để tranh thủ ăn chơi. Phần nhiều trong số này được sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế, được bố mẹ chu cấp đầy đủ và tạo điều kiện tốt nhất cho việc học. Đối với họ, đỗ ĐH là điều quá viển vông và xa vời, không phải dành cho mình, đi ôn thi là để cho vui. Với suy nghĩ đó, tuy không thiết tha với ôn luyện, thi cử nhưng họ vẫn đăng kí dự thi khối này trường nọ, thậm chí còn chọn những các trường có địa điểm thi ở thành phố lớn, càng xa nhà càng tốt để có lý do chính đáng lấy tiền “lộ phí” làm chuyến… du hí. Đây cũng là nguyên nhân khiến các quán cà phê, các khu vui chơi ở Hà Nội những ngày này có rất đông sĩ tử tụ tập, chém gió nhậu nhẹt.

Trường hợp của Trần Trung - con trai một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc có tiếng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khi thi xong tốt nghiệp THPT, dù đã được bố mẹ thuê gia sư giỏi nhất trong khu vực về tận nhà kèm cặp nhưng Trung vẫn nằng nặc đòi lên Hà Nội để “luyện cho chuẩn”. Chiều con trai, bố mẹ Trung đã thuê cho con một căn hộ chung cư có đủ tiện nghi kèm theo một người phục vụ để lo việc cơm nước, còn  phương tiện đi lại của Trung là… taxi cho an toàn.

Chưa yên tâm, bố Trung còn nhờ người quen tìm cho cậu ấm một lò luyện thi chất lượng cao nhưng không được quá đông người, có lắp đặt điều hòa. Đáp lại sự quan tâm hết mức của gia đình là sự lười biếng, chểnh mảng, chơi bời vô độ của Trung. Ngoài… 20 phút đến trung tâm luyện thi hàng ngày, thời gian còn lại Trung gọi điện thoại, chơi điện tử, lướt web hay đi bù khú nhậu nhẹt, hát hò. Trung quan niệm: “Gọi là đi ôn thi cho oai chứ thực ra lên Hà Nội là để… giải ngố. Lực học của mình thế nào mình biết rõ nhất nên có chăm chỉ ôn thi cũng chỉ bằng thừa. Lúc còn là học sinh, ông bà già quản chặt nên về Thủ đô quá khó, nay nhờ có lý do đi học, phụ huynh đồng ý ngay, lại còn mừng ra mặt nên chăm sóc tận tình chu đáo, gọi điện hỏi thăm sức khỏe thường xuyên. Đúng là cơ hội ngàn năm có một”…

Cơ hội du lịch và mua sắm

Tuy mới lên Hà Nội được 2 tuần nhưng Lan Hương (ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) như được lột xác. Do có cô em họ đi học cùng kèm khá chặt nên Hương hầu như không dám nghỉ học. Mỗi khi đến “lò” luyện thi, Hương luôn tìm mọi cách ngồi cách xa cô em để… thoải mái ngủ. Hết buổi học, Hương gọi bạn trai (cùng lên Hà Nội ôn thi) đến đón rồi chuồn về trước. Điểm đến của cô nàng là các cửa hàng thời trang, spa làm đẹp để mua sắm, nhuộm tóc, massage mặt. Qua một số cuộc “tân trang” siêu tốc, vẻ ngoài của Hương đã thay đổi đáng kể, từ mái tóc dài thẳng đã bị cắt ngắn cũn cỡn nhuộm màu vàng chóe, chiếc mũi vốn thô và tẹt nay cũng được độn cao và gọt cho nhỏ gọn hơn. Hôm thì bơi thuyền hồ Tây, hôm chợ đêm phố cổ, xa hơn chút nữa là hồ Đại Lải, Tam Đảo… Hương và bạn trai gắn với nhau như hình với bóng. Thậm chí có những hôm về muộn, Hương còn về phòng bạn trai để… ngủ cùng.

Với cô, thời gian biểu ngày nào cũng kín đặc. “Em nghĩ học là việc cả đời chứ đâu chỉ vài ngày. Lúc này nên để cho đầu óc thoải mái và thư giãn mới có  kết quả thi tốt được. Đây cũng là thời gian để tranh thủ mua sắm, thăm thú những nơi mới mẻ ở Hà Nội để mở mang đầu óc, về khoe với bạn bè, cho chúng nó choáng. Vả lại, mấy khi em được cùng người yêu tự do rong chơi mà không bị ai quản lý. Nếu thi năm nay không đỗ, sang năm em lại thi tiếp, một năm đối với cả đời người đâu có thấm tháp gì” - Hương hồn nhiên chia sẻ.

Do dịp ôn thi ĐH năm nay trùng với mùa EURO nên không ít sĩ tử cũng lợi dụng cơ hội này, quyết khăn gói lên Thủ đô ôn thi để… được xem bóng đá thoải mái. Sinh ra ở Nam Định, dù đã thi trượt một năm nhưng với suy nghĩ “EURO 4 năm mới có một lần” nên Trần Văn Thắng quyết không bỏ lỡ trận đấu nào. Đêm xem bóng đá, sáng ngủ bù, chiều lại tụ tập bạn bè bình luận, cá độ nên Thắng hầu như không có thời gian dành cho việc học. Phần lớn số tiền được gia đình cho để ôn thi đã được Thắng “giải ngân” gần hết. Ngay cả chiếc máy tính xách tay - thứ tài sản có giá trị nhất phục vụ ôn thi Thắng cũng mang đi cầm cố để lấy tiền nhậu nhẹt, cá cược. Thậm chí Thắng đã nghĩ đến việc bán lại phiếu đăng ký luyện thi giá rẻ để lấy tiền về quê. Xem ra với sĩ tử này, việc đỗ ĐH là giấc mơ quá xa vời.

Với tâm lý “con người ta đi ôn thi ở thành phố, con mình ở nhà lỡ trượt thì lại ân hận”, hay “trồng cây bao năm, sắp đến mùa hái quả” nên nhiều phụ huynh đã không tiếc tiền cho con mình vào luyện thi ở những nơi mà họ “nghe đồn” là chất lượng cao nhất. Số tiền mà họ phải trả ở những nơi này có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/buổi học chỉ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Song điều đáng nói là họ không hiểu được thực chất việc luyện thi của con em mình ra sao, con có học hay không. Họ cũng không thể ngờ rằng, với số tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ, nhiều sĩ tử không hề đầu tư cho việc học mà thỏa sức tiêu xài vào những bộ đồ mới, những lần nhậu nhẹt, những chuyến du lịch ngắn ngày… Trên đây là những bài học cho các bậc cha mẹ khi chỉ biết đưa tiền cho con mà không kiểm tra xem số tiền đó sẽ được dùng vào việc gì. Với họ, niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ và kết quả thu về chỉ là con số không tròn trĩnh. 

Tin cùng chuyên mục