Lưu luyến khúc giao mùa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tôi rất ấn tượng một câu của đạo diễn Lê Hoàng khi nói về mùa đông Hà Nội, đại ý rằng, ngày nay người ta có thể có bất cứ thứ gì mình muốn mà chỉ cần ngồi một chỗ. Khi từ Sài Gòn ra Bắc thì ông hay ghé chợ Đồng Xuân mua chôm chôm, sầu riêng… để làm quà cho người Hà Nội. Rồi khi từ Hà Nội vào Nam thì ông lại rẽ Bến Thành, Chợ Lớn mua ô mai, táo, mận… làm quà cho bạn Sài Gòn. Nhưng có một thứ mà ông chịu không mua nổi hay mang đi mang lại được, đó là mùa đông Hà Nội.
Thu Hà Nội

Thu Hà Nội

Đã nghe rét mướt luồn trong gió...

Người miền Nam lần đầu tiên ra Hà Nội mà gặp đúng tiết đại hàn thì thực sợ. Nếu cần cảm nhận mùa đông, người Nam bộ chỉ cần tìm đến Đà Lạt, ấy là tôi nghe người ta nói thế. Trong nhiều thập niên trước, không phải ai cũng có cơ hội được ra miền Bắc, vì thế có người đến hết đời cũng chưa được thấy mùa đông bao giờ. Nhưng mùa đông ở Đà Lạt cùng lắm chỉ xuống tới hơn 17 độ C. Còn mùa đông Hà Nội xuống tận 7-8 độ C kia mà. Cái lạnh nơi này lạ lắm, nó lách, nó len lỏi đến tận tim phổi, làm buốt giá hơi thở vừa rời môi. Nó luồn vào tận đồ đạc trong nhà làm tê lạnh cả ghế, giường, bàn, tủ...

Người phương Tây đến Hà Nội đúng dịp Giáng sinh thường kêu trời vì lạnh. Họ nói rằng sao mà lạnh thế, lạnh từ trong chăn lạnh ra, ở châu Âu cũng lạnh nhưng không lạnh kiểu thế này. Điều này làm người Hà Nội ngạc nhiên lắm, sau mới biết rằng ở châu Âu người ta dùng lò sưởi. Nên cho dù có tuyết rơi, người ta vẫn thấy ấm áp suốt cả đông vì đường ống dẫn từ lò sưởi trung tâm sẽ tỏa đi khắp các căn hộ, cơ quan, nhà xưởng, siêu thị, rạp chiếu phim trong thành phố.

Còn ở Hà Nội, nay rất sẵn điều hòa 2 chiều, đèn sưởi halogen, chăn điện… nhưng muốn ấm thì cứ chờ tí đã, cũng phải bật điện một lúc thì mới ấm được. Trong thời gian chờ đợi hẵng cứ nhấm nháp cái lạnh giá đã đi vào thi ca nhạc họa. Nhưng khác với cái lạnh tê ở vùng Sa Pa, Tây Bắc, nơi mà ngay cả khi chui vào trong chăn, nếu không hỗ trợ thêm chiếc lò sưởi thì bàn chân vẫn cứ cóng buốt cả đêm, cái lạnh Hà Nội sẽ dần tan biến trong lớp nệm êm ấm áp.

Mưa mùa hạ

Mưa mùa hạ

Tôi còn nhớ những ngày mùa đông tháng 11-1987, em gái tôi vừa ra đời được vài ngày, tôi nằm co ro một mình trong chiếc chăn bông bọc vỏ con công. Đấy là loại chăn bông nặng trịch mà ngày nay hình như không ai còn dùng nữa. Cái chăn bông đó khi chui vào phải cả tiếng sau mới thực sự ấm lên được. Lúc ấy, tôi thực sự rất lạnh và cô đơn khi không có mẹ nằm bên. Nhưng mùa đông Hà Nội không phải lúc nào cũng lạnh như thế. Suốt cả mùa chỉ có một vài đợt lạnh ngắn và không phải năm nào cũng có đợt cực lạnh.

Tuy nhiên, cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội luôn làm người ta dễ chạnh lòng cô quạnh nếu lúc ấy không có ai ở bên. Đôi khi, giữa đêm đông thức giấc thảng hoặc cũng thấy có tiếng gió hú, như thể đang nằm trong một quán trọ giữa thị xã Nho Quan hay Bắc Kạn. Cái lạnh Hà Nội làm người đi giữa đường phố thấy vô cảm với cảnh vật xung quanh, cảm xúc chai lì theo những cú gồng người để chống chọi với cơn buốt giá.

Nắng xuân Hà Nội

Nắng xuân Hà Nội

Nhưng ngay khi về đến nhà, hít thở không khí ấm sực đang tỏa ra từ những món ăn trên bếp, nhồi bàn chân cứng đờ vào chăn ấm, nheo mắt ngắm nhìn ngọn đèn vàng đang tỏa ánh dìu dịu trên táp đờ luy, và nghe những cơn gió đập sàn sạt qua khung cửa, mới thấy một niềm hạnh phúc dâng lên không vì lý do gì cụ thể. Có ngấm cái lạnh giá mới thấy giá trị và hạnh phúc của sự ấm áp. Chỉ đơn giản thế thôi.

Tận cùng cảm xúc

Tôi vẫn tuyệt đối cho rằng thời tiết tác động rất mạnh đến cảm xúc con người. Nhưng thời tiết Hà Nội thì khá thất thường, lẽ nào con người ở đây cũng thất thường như vậy? Không hẳn thế, nhưng có một điều biết đâu đúng, Hà Nội là cái nôi của nghệ thuật và sáng tạo, không chỉ vì nơi này là không gian ngàn năm văn hiến, mà còn nhờ… thời tiết nữa.

Thời tiết Hà Nội thay đổi xoành xoạch theo mùa hoặc không theo mùa. Nhưng thay đổi theo cách nào thì cũng đến tận cùng, hoặc cực nóng, hoặc cực lạnh, hoặc cực khô hanh, hoặc cực ẩm thấp, hoặc mưa rào như trút nước, mưa trôi nhà trôi cửa hoặc nắng đến rang người. Cũng cùng một con phố thôi mà ta thấy nó thay đổi đủ nhân ảnh theo mùa.

Nó sẽ ảm đạm trong một trưa mùa đông giá lạnh, sẽ u tịch trong một chiều tàn nắng quái, sẽ ủ rũ trong cơn mưa dầm dề ngày xuân rét buốt, sẽ đầy sức sống viên mãn trong bình minh sáng hạ, sẽ dịu dàng mà quyến rũ trong ánh nắng thu vàng rượi, sẽ êm ái mát lành khi cơn mưa rào vừa chờ tới, sẽ mơ hồ bí ẩn trong màn sương muối hiếm hoi lúc đông về.

Chạm tay vào mùa đông Hà Nội

Chạm tay vào mùa đông Hà Nội

Cảm xúc con người cứ thế mà thay đổi theo, vô tình thi ca, âm nhạc và hội họa cũng thấm đầy không gian như đã ủ sẵn trong hồn người. Chỉ riêng cơn mưa Hà Nội thôi đã rất lắm kiểu. Nó không phải chỉ mưa ào một cơn giống những gì người ta vẫn thấy trên đường phố Sài Gòn. Đôi khi mưa phùn rỉ rả những ngày xuân, mưa rào ào ạt nước giữa ngày hạ, mưa ngâu dai dẳng chen giữa những đợt thu về, mưa bóng mây lúc ướt lúc khô, rồi có cả mưa giữa mùa đông - vừa ướt vừa rét đến tái tê.

Sự đỏng đảnh đáng yêu

Mùa Hà Nội rất đặc trưng, nó kéo theo cả âm thanh, màu sắc, mùi vị vào thi ca. Nếu muốn có vài tác phẩm về mùa, ngay cả bác phó nháy hạng bét cũng không thấy khó khăn gì khi thể hiện. Xuân, hạ, thu, đông sẽ hiện lên rõ mồn một chỉ qua vài nét đặc tả về cảnh vật, cây lá. Ai cũng thích mùa thu. Nhưng thu Hà Nội ngắn ngủi lắm. Thường là thế. Thượng đế hiếm khi nào thỏa mãn lòng người. Phàm là thứ gì đẹp mỹ miều, được nhiều người ưa thích, nó sẽ biến mất rất nhanh để người phải tiếc nuối, phải tôn thờ, phải nhắc mãi về nó và mong nó quay trở lại.

Thu Hà Nội thực ra không rơi vào tháng 8, tháng 9 Dương lịch như người ta thường nghĩ. Chính xác thì nó phải được quy đổi theo lịch âm, nghĩa là sẽ vào tháng 10, tháng 11 lịch trên. Thu là khúc giao mùa của đông và hạ, chỉ giao mùa thôi nên những cảm xúc quý giá cũng chỉ kéo dài đâu chừng vài tuần. Thu sẽ đến rất dịu dàng theo đúng cách mà từ “Thu” gợi tả. Một sớm mai thức dậy, sau một đêm oi ả, ngột ngạt đến điên người, bỗng đâu thu nhẹ nhàng len về. Mới đầu là những cơn gió hanh hao luồn qua cửa sổ, rồi đến những sợi nắng vàng trong óng trải đầy dãy phố.

Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li

Mở cửa ban công thấy lá bắt đầu tàn úa, nhưng những khuôn mặt người xa lạ dường nhẹ nhõm hơn. Người ta bỗng thấy yêu đời, yêu người hơn đêm trước. Người ta bỗng đâu thấy biếng làm việc hơn, chỉ ước ao được ngồi bên bạn tri kỷ trong một quán cà phê ven hồ mà ngắm nắng thu dát mật lóng lánh lên mặt nước, mà nghe lá mùa xao xác heo may. Thế nhưng rồi cũng chỉ ngay sáng sau, rất có thể một cơn bão càn qua bất ngờ đến không kịp trở tay.

Mưa rơi ngay giữa tháng 11, bão lũ biến những con đường óng vàng của ngày hôm qua thành những dòng sông nho nhỏ. Mưa rỉ giọt, mưa tí tách, mưa ào ạt, mưa rả rích, mưa âm ỉ, mưa sụt sùi, mưa sầm sập. Hà Nội bỗng biến thành một cô gái đỏng đảnh đến đáng ghét. Nay thế này, mai thế khác không biết đâu mà lần. Nhưng tình yêu rất khó lý giải, đôi khi người ta yêu cô ta quá đỗi, nên yêu luôn cả tính khí thất thường không thể đoán trước của cô ta.