Lưu giữ nét đẹp văn hóa của tượng gỗ nhà mồ ở Tây Nguyên

ANTĐ - Chiều ngày 11-3, tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kơ Tăm, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra buổi lễ chung kết và trao thưởng tại hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên với sự tham gia của 37 nghệ nhân ưu tú đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. 

Trong hội thi lần này có 37 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có 29 nghệ nhân đến từ tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thi và đã chế tác được 50 tác phẩm. Đây là những tượng gỗ đã được các nghệ nhân phác họa  và phản ánh sinh động về con người, sinh hoạt văn hóa và thế giới tự nhiên, tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên, giúp công chúng và du khách cảm nhận được cuộc sống, con người và thiên nhiên ở nơi đây. 

Lưu giữ nét đẹp văn hóa của tượng gỗ nhà mồ ở Tây Nguyên ảnh 1

Nghệ nhân Ksơr H’nao bên tác phẩm đoạt giải nhất

Hội đồng ban giám khảo cuộc thi thống nhất và đi đến quyết định trao giải Nhất cho anh Ksơr H’nao (phòng Văn hóa Thông tin thành phố Pleiku, Gia Lai) với tác phẩm “Mẹ ôm con”; 2 giải Nhì được trao cho hai nghệ nhân: Y Ser Bkrông (buôn Tăng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) với “Đôi chân trần” và nghệ nhân A’Hương (xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) với “Ông Già”; 3 giải ba được trao cho nghệ nhân Đinh Jrang (làng Leng xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) với “Múa trống nhà mồ”, nghệ nhân Lý Văn Phương (thôn 16, xã Cư Kbông, Ea Kar, Đắk Lắk) với “Cha con lên rẫy”, nghệ nhân Trương Đức Quang (thôn 8 xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) với “Trai làng”. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 5 giải khuyến khích và giải cho nghệ nhân cao tuổi nhất cho các thí sinh tham gia cuộc thi.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa của tượng gỗ nhà mồ ở Tây Nguyên ảnh 2

Ban tổ chức cuộc thi chụp hình cùng các nghệ nhân đoạt giải

Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên là một trong những chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-2015. Các tác phẩm dự thi đã góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng về nghệ thuật tạc tượng dân gian; đồng thời giúp cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên mảnh đất cao nguyên bazan đại ngàn.