Lương vẫn đuổi theo giá

ANTĐ - Hiếm có năm nào như 2013, nước ta cùng lúc phải thực hiện mục tiêu “kép”: Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn mà vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát năm 2012 đã được kiềm chế, vừa thấp hơn năm trước, vừa thấp hơn mục tiêu đề ra. Mục tiêu của năm 2013 là chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6,5%, thấp hơn năm 2012. Riêng trong tháng 1 vừa qua, CPI tăng 1,25% dự báo tháng 2 có thể tăng 2,3%. Như vậy 10 tháng còn lại, bình quân một tháng chỉ được tăng 0,5%. Mục tiêu càng khó khăn hơn khi nợ xấu, tồn kho, bất động sản làm riết róng hơn.

Từ diễn biến CPI tháng 1 năm nay và dự báo CPI tháng 2 có Tết Nguyên đán, chuyên gia của Tổng cục Thống kê ước tính tình hình giá cả thị trường có thể “đảo chiều”, tốc độ tăng giá sẽ cao hơn tháng 1 và cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt, cá, rau quả tất yếu sẽ tăng cao do nhu cầu dịp Tết, trong khi lượng nhập lậu được ngăn chặn quyết liệt nên có thể “sốt” cục bộ. Riêng giá điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng sẽ tăng cao hơn so với mức 2,47% của tháng 2-2012. Giá dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh sẽ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước vì tháng 1 vừa qua đã tăng tới 7,4%. Số liệu thống kê, dự báo giá cả có thể cung cấp thông tin để tham khảo, lường đoán những tác động tới mục tiêu “kép” trong năm 2013, đồng thời cho phép có một tầm nhìn bao quát về biến động giá lương thực, thực phẩm ở nước ta ảnh hưởng như thế nào đến các hộ gia đình ở thành thị và nông thôn. Dự án do Tổ chức Oxfam, Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp thực hiện, vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh hơn mức tăng tiền lương và thu nhập.

Cụ thể gần đây nhất, mức tăng lương tối thiểu năm 2012 là 1,05 triệu đồng/tháng, tức là tăng 220.000 đồng/tháng, tương đương 26,5% so với mức lương 830 nghìn đồng/tháng năm 2011. Song không khó nhận ra sự chênh lệch quá lớn trong tỷ lệ tăng của giá lương thực, thực phẩm và mức thu nhập của người dân. Bởi vì giá lương thực, thực phẩm từ năm 2008-2010 đã tăng tới 121%, trong khi thu nhập chỉ tăng 92%. Giám đốc chiến lược GROW của Tổ chức Oxfam nhận xét: Khu vực nghèo thành thị đang “đụng” phải bức trần vô hình về thu nhập khi họ không thể hy vọng vào sinh kế bổ sung cho nguồn thu nhập hạn hẹp. Còn khu vực nông thôn thì đối mặt với xu hướng nghèo hóa do sức cạnh tranh của nông nghiệp hoặc gia nhập nhóm nghèo thành thị. Điều đáng lo ngại là sức khỏe, điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục và môi trường sống đang có chiều hướng xấu đi ở cả hai nhóm nghèo thành thị và nông thôn, trong khi khu vực thành thị kém hơn nông thôn.

Kết quả khảo sát còn chỉ ra, giá lương thực, thực phẩm tăng lên đồng nghĩa với bữa ăn của các hộ gia đình giảm cả về số lượng và chất lượng, nhất là ở thành thị. Những thức ăn hàm lượng cao, hoa quả giàu vitamin hầu như vắng mặt trong mâm cơm. Câu hỏi đặt ra: Là một nước nông nghiệp xuất siêu, vì sao lương thực, thực phẩm vẫn là nỗi lo ám ảnh hàng năm của nhiều hộ gia đình ở thành thị và nông thôn? Đại diện Tổ chức Oxfam cho rằng, phải chăng cách nhìn nhận dựa trên bình quân GDP/đầu người, bình quân tỷ lệ hộ thu nhập thấp và hộ nghèo đã “che mờ” sự phức tạp và đa chiều của bức tranh an sinh xã hội cũng như đói nghèo ở Việt Nam. 

Theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam: 1,6 USD/ngày ở thành thị và 1,29USD ở nông thôn, thì tỷ lệ nghèo cả nước là 20,7%. Còn so với chuẩn quốc tế 2USD/ngày thì có hơn 40% người dân nằm dưới mức nghèo. Rõ ràng là, dù có tăng trưởng thu nhập không đủ bù lại mức tăng giá lương thực thực phẩm và các chi phí thiết yếu khác. Rốt cuộc, lương vẫn bám đuổi theo giá và không bao giờ bắt kịp.