Lương, thưởng đè nặng doanh nghiệp

ANTĐ - Sắp hết năm 2012 nhưng lương vẫn còn bị nợ, thưởng chưa có hy vọng gì khiến cho nhiều công nhân, nhân viên văn phòng đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Có lẽ chưa bao giờ tình trạng nợ lương lại diễn ra ở nhiều doanh nghiệp đến thế (?!) 

Khốc liệt ở khối xây dựng cơ bản

Theo số liệu tập hợp từ các đơn vị của Bộ Xây dựng, tính đến hết 9 tháng, 17 doanh nghiệp trực thuộc Bộ, trong đó có 9 Tổng Công ty nợ lương hơn 256 tỉ đồng; nợ BHXH hơn 270 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến nợ lương trên các công trường xây dựng chủ yếu do vướng mắc nghiệm thu và thanh toán khối lượng hoàn thành và do nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB). Đây thực sự là vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng hiện nay. Anh Nguyễn Mạnh Hà, công nhân đang làm việc tại một công ty xây dựng huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Đã 4 tháng nay chúng tôi chưa được nhận lương. Nhiều người khác đã bỏ về quê. Tuy nhiên tôi vẫn cố bám trụ để mong đến Tết, công ty trả cho ít tiền mang về cho vợ con”. Theo anh Hà, lương năm 2012 đã bị giảm 1/3 so với năm 2011 song trong thời buổi kinh tế khó khăn, tìm việc không phải là dễ nên mọi người vẫn chấp nhận làm việc. Song việc nợ lương của chủ doanh nghiệp khiến không ít người búc xúc, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn.

Ngành Giao thông Vận tải cũng rơi vào tình cảnh không khả quan hơn là mấy. Theo thống kê tại Bộ Giao thông Vận tải, tổng số nợ tiền lương của các đơn vị trong ngành GTVT (không tính 2 DN Vinashin, Vinalines) là 166,4 tỉ đồng, trong đó khoản nợ lương từ 3-12 tháng là 87,54 tỉ đồng. Cá biệt, có những đơn vị đặc biệt khó khăn đã nợ lương kéo dài trên 12 tháng như công ty TNHH MTV 230 (Khu quản lý đường bộ II); Công ty CP XDCTGT 820; Công ty TNHH MTV XDCTGT 892... Tổng Công ty CTGT 8 - một trong những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động - thông tin nhiều công trình bị dở dang đã khiến vốn của DN bị chôn tại chỗ, nhưng vẫn phải gánh lãi suất ngân hàng. Lãnh đạo công ty thậm chí đã phải huy động vốn từ trong cán bộ, công nhân viên để tạo nguồn vốn lưu động.

Vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghệ SOMECO (SOMECO Tech) cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện công ty đang nợ hơn 400 triệu đồng tiền lương của người lao động không còn làm việc tại công ty. Số tiền nợ BHXH của Công ty SOMECO Tech còn lớn hơn nhiều. Cụ thể, số nợ tính đến hết tháng 9 đã lên đến hơn 1,42 tỉ đồng. Điều đáng nói là công ty còn vay tiền của người lao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mà chưa trả được. Việc trả lương công nhân giờ cũng vô cùng khó khăn khi mà các đối tác còn nợ công ty 28 tỉ đồng. Đích thân giám đốc công ty đã đi thu hồi công nợ để có tiền trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan. Nếu không thu hồi được nợ, Công ty sẽ bế tắc thực sự, chưa tìm được phương hướng giải quyết cụ thể

Trên thực tế, những tháng đầu năm 2012, tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt rất thấp. Tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng. Hậu quả là công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán; nhiều DN xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít DN giải thể và phá sản... Báo cáo nhân lực trực tuyến do VietnamWorks công bố cho thấy từ đầu năm 2012 đến nay, nhân lực ngành bất động sản giảm 50%, xây dựng giảm 49%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lao động, năm 2012 ngành Xây dựng có số lượng lao động thất nghiệp lớn nhất và cũng là “con nợ” lớn nhất của ngành BHXH. 

Bi quan nghĩ đến Tết

Bi đát nhất trong thời gian vừa qua phải kể tới các công ty bất động sản. Số lượng các công ty bất động sản làm ăn thua lỗ đóng cửa hàng loạt tăng mạnh, kéo theo đó số lượng nhân sự bị cắt giảm cũng ồ ạt. Tương tự như vậy, các ngân hàng, công ty tài chính cũng đang lao đao bởi khủng hoảng nhân sự, số lượng nhân viên bị sa thải tăng mạnh. Chế độ đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị thôi việc đều bỏ ngỏ. Đáng nói là sắp đến Tết Nguyên đán, nhiều người đã bị thôi việc hoặc có việc cũng không có lương, còn mong gì đến thưởng Tết.

Anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết: Từ giờ đến cuối năm công ty cố gắng trả trước một ít lương cho nhân viên là may lắm rồi. Còn thưởng Tết chắc không thể có được. Mặc dù chưa hết năm, chưa có DN nào công bố về mức thưởng Tết năm nay nhưng nhìn chung khối DN tư nhân đang đứng trước tình trạng khó khăn nên có thể nhiều đơn vị không có thưởng Tết. Ngành ngân hàng, vốn được xem là ngành có truyền thống thưởng Tết cao thì năm nay do kinh tế lạm phát nhiều ngân hàng không làm ăn được, bên cạnh đó tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ quan điểm, sẽ dứt khoát nghiêm cấm các ngân hàng chia thưởng, tăng lương nếu như không trích lập đủ dự phòng rủi ro và phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Vì vậy dự đoán năm nay ngành Ngân hàng sẽ có mức thưởng Tết khiêm tốn.  

Một số DN còn đánh tiếng thay vì bằng tiền mặt, sẽ thưởng Tết cho nhân viên bằng hiện vật, ngày phép…. Ở các DN kinh doanh thực phẩm, may mặc, đồ gia dụng thì cho hay, theo “tinh thần” của ban lãnh đạo, thưởng Tết năm nay sẽ lấy từ “cây nhà lá vườn”, tức là DN kinh doanh mặt hàng gì mà còn tồn thì sẽ “làm quà Tết” cho nhân viên. Thậm chí, một số công ty đã tính đến nước thay thế tiền thưởng bằng một hình thức khác cho nhân viên hoặc cho nhân viên tăng ngày nghỉ Tết. Không chỉ người lao động phỏng đoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp thẳng thắn nói rằng, năm nay nói đến thưởng Tết là điều xa lạ và xa xỉ.

Năm 2013 cũng được dự đoán là năm khó khăn với người lao động, dự báo trong năm sau sẽ có 29% DN không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và 3% DN sẽ cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, chỉ còn 68% DN quyết định tuyển dụng thêm nhân viên so với con số 75% của năm 2012.