Lương thực, thực phẩm tăng giá mạnh trong tháng 8

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá thực phẩm tăng trung bình 1,33% trong tháng 8, trong khi giá lương thực cũng tăng mạnh. Chi tiêu cho gia đình chịu áp lực tăng giá lớn. 
Giá cả tiêu dùng tăng mạnh

Giá cả tiêu dùng tăng mạnh

Sáng nay (29-8), Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2022. Đáng chú ý là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm ghi nhận mức tăng đáng kể trong tháng qua.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,19% so với tháng trước, trong đó giá gạo dù chỉ tăng 0,06% nhưng giá các loại lương thực chế biến khác như: mỳ sợ, mì, phở, cháo ăn liền laijtawng đến 0,83%; bột mì tăng 0,48%; bột ngô tăng 0,47%; ngô tăng 0,37%; miến tăng 0,37%; bánh mì tăng 0,25%; ngũ cốc ăn liền cũng tăng 0,23%.

Cơ quan thống kê cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến chỉ số giá của nhóm lương thực chế biến tăng mạnh.

Tương tự, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng với nhu cầu tăng cao dịp Rằm tháng Bảy đã đẩy giá các loại thực phẩm tăng trung bình 1,33% so với tháng trước. Trong đó, riêng giá thịt lợn đã tăng đến 4,95%, làm tăng CPI tăng 0,17 điểm phần trăm.

Tính đến ngày 25-8, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 62.000-71.000 đồng/kg. Kéo theo đó, giá thịt chế biến cũng tăng 1,92% so với tháng trước: thịt quay, giò chả tăng 1,99%; thịt hộp tăng 1,4%; thịt chế biến khác tăng 0,43%.

Trong tháng, giá thịt gà cũng tăng 0,65%; trứng tăng 2,68% kéo theo đó hàng loạt loại thực phẩm chế biến từ thịt gà, trứng tăng mạnh.

Cơ quan thống kê cũng cho biết, giá dầu mỡ ăn tiếp tục tăng cao so với tháng trước. Đáng chú ý, giá nước mắm, nước chấm tăng 0,69%; bơ, sữa pho mát tăng 0,32%; đường, mật tăng 0,31%; bánh mứt kẹo, cà phê, chè đều không đứng ngoài xu hướng tăng giá. Giá các loại rau tươi, khô và chế biến cũng tăng 1,18%, trong đó riêng giá cà chua tăng đến 8,61%; su hào tăng 2,76%; khoai tây tăng 2,45%; rau gia vị tăng 2,23%...

Trong số 11 nhóm hàng hóa tính CPI, chỉ số giá nhóm giáo dục cũng tăng mạnh đến 1,51% so với tháng trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học.

Bên cạnh đó, do chuẩn bị bước vào năm học mới nên giá sách giáo khoa tăng 1,05%; bút viết các loại tăng 1,38%; giá vở, giấy viết các loại tăng 1,02% so với tháng trước.

Xu hướng tăng giá cũng bao trùm các loại hàng hóa dịch vụ khác như: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; văn hóa giải trí; du lịch… Trên thực tế, suốt cả tháng qua, người tiêu dùng đều than thở giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt. Chi tiêu hằng ngày cho gia đình đều đội giá do giá hầu hết các mặt hàng đều đã tăng rõ rệt.

Trong tháng 8, chỉ có duy nhất nhóm giao thông giảm giá do các đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp, làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm. Tuy nhiên, giá dịch vụ giao thông công cộng, vận tải hành khách bằng đường hàng không, đường bộ vẫn tăng mạnh; Giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới cũng tiếp tục tăng do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.

Do biến động giá cả trên, CPI tháng 8 tăng 0,005% so với tháng trước. So với tháng 12-2021, CPI tháng 8 tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%.

Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,64%.