Lương tâm và trách nhiệm người đại biểu nhân dân

ANTD.VN - Phát biểu ở nghị trường là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các vị đại biểu dân cử. Do đó người đại biểu nhân dân càng cần thể hiện sự cẩn trọng, lương tâm và trách nhiệm trước cử tri cả nước.

Cử tri luôn mong muốn các ĐBQH thể hiện lương tâm, trách nhiệm, sự cẩn trọng, tính cống hiến trong công tác xây dựng luật pháp

Trên diễn đàn Quốc hội, trong nhiều khóa gần đây, có một số vị đại biểu Quốc hội thường có phát ngôn mạnh mẽ, để lại ấn tượng đối với cử tri cả nước. Để có được những ý kiến tâm huyết đó, các vị đại biểu Quốc hội phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, xem xét kỹ vấn đề, tính toán trước sau, cân nhắc từng câu, từng chữ để trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở nghị trường, có thể nói một cách chính xác, đầy đủ, khách quan, công tâm nội dung cần nêu, cũng là chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong trường hợp đại biểu nêu vấn đề thiếu chính xác, hệ lụy là rất lớn. 

Đáng tiếc, không phải vị đại biểu dân cử nào cũng ý thức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi phát ngôn ở nghị trường. Thậm chí, có trường hợp đã đưa ra những thông tin sai lệch, để từ đó có những lập luận thiếu chính xác. Trường hợp đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - người đã đưa ra các con số vô cùng thiếu chính xác về “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 31-10 - là một ví dụ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng được ghi nhận là đại biểu năng nổ, thường nỗ lực bày tỏ chính kiến của mình về nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Dù vậy, trong 2 năm trở lại đây, ông đã 2 lần đưa ra những lập luận, phân tích không chuẩn do có thông tin nền không chính xác. Lần trước, ở kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, sau khi phát biểu thiếu chính xác, gây bức xúc về vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), ông Nhưỡng đã phải “nói lại cho rõ”.

Thời điểm đó, nói với báo chí, ông Nhưỡng đã cảm ơn người tranh luận với mình là đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) và “coi đó là một lời góp ý để không ngừng hoàn thiện mình”. Ông cũng hứa sẽ “tiết chế cảm xúc, sử dụng từ ngữ chừng mực hơn khi phát biểu tại nghị trường, tránh sự hiểu nhầm và tạo bức xúc không đáng có cho người khác”. Tuy nhiên, tới kỳ họp thứ sáu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng một lần nữa có phát biểu làm “dậy sóng” dư luận xuất phát từ việc… làm phép tính (nhân chia con số) không chuẩn.

Ngay sau khi ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tranh luận, đưa ra những phân tích, con số chỉ rõ thông tin ông Nhưỡng đưa ra là hết sức vô lý và sai hoàn toàn. Cả ở nghị trường và bên lề Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội tỏ ra bức xúc với phát biểu không chính xác của ông Nhưỡng và cho rằng lời nói đó đã dẫn đến sự hiểu lầm tai hại trong xã hội về hoạt động của cơ quan điều tra. Đáng tiếc, tới nay, vị đại biểu tỉnh Bến Tre vẫn chưa chịu nhận mình đã sai!

Nói sai thì cần phải nói lại cho đúng! Ở vị trí đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng chắc ý thức rõ việc ông phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình cũng như khi ông truy trách nhiệm các thành viên Chính phủ. Với tính chính danh của mình, ông cần đính chính lại thông tin trên diễn đàn Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước và xin lỗi những cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng do phát biểu thiếu chính xác của ông.

Chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém; phê bình thẳng thắn, trực diện và tranh luận đến cùng để làm rõ bản chất của những vấn đề phức tạp, hướng tới giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… là điều rất cần thiết để giúp các cơ quan, bộ ngành sửa chữa, khắc phục. Thế nhưng, điểm cốt lõi là những ý kiến đó phải xuất phát từ thông tin chính xác và góc nhìn xây dựng. Việc này cần lương tâm, trách nhiệm, sự cẩn trọng, tính cống hiến và cả sự dũng cảm của mỗi vị đại biểu Quốc hội!