Lương phải xứng với công sức giáo viên

ANTĐ - Không ngại trả lời thẳng vào những vấn đề nhạy cảm như thu nhập chính, thu nhập phụ, quan điểm về cấm dạy thêm, có nên phê phán học thêm..., cô  Đinh Thị Phương Anh, giáo viên ngữ văn trường THCS Lê Ngọc Hân còn cho thấy một hình ảnh mới của một nhà giáo thực tế và năng động khi vượt qua nỗi lo đồng lương để mở rộng tầm nhìn. 

Nhiều ý kiến cho rằng, lương dành cho giáo viên phải cao hơn để đảm bảo cuộc sống

Thu nhập không quá 5 triệu đồng

Rất thẳng thắn thừa nhận, bản thân với gần 20 năm trên bục giảng, tổng thu nhập cả lương và các khoản phụ cấp đứng lớp ở trường chỉ gói gọn trong 5 triệu đồng, “mà để sống giữa Thủ đô như hiện nay thì liệu có lo được cho gia đình, con cái học hành với từng đấy thu nhập?” - cô Đinh Thị Phương Anh hỏi lại phóng viên. Cũng theo cô Phương Anh một trong những thách thức với giáo viên hiện nay không gì khác chính là đồng lương. Ngoài mức lương thấp, vấn đề khúc mắc ở đây là sự cào bằng, không phân biệt giữa chất lượng giáo viên và những đóng góp của họ.

“Trường tôi hiện nay đã có mấy giáo viên được công nhận học hàm tiến sĩ. Vậy mà lương của giáo viên tốt nghiệp cao đẳng hay đã là tiến sĩ chẳng có gì khác nhau. Giáo viên được động viên nâng cao trình độ nhưng lại chẳng được khuyến khích gì về thu nhập thực tế” - cô Phương Anh cho biết. Hay như danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp quận phải thực sự có thành tích và được tập thể công nhận, cô Phương Anh cho biết, trong cả trường chỉ có chưa đến 10 người được công nhận danh hiệu này sau 1 năm học vất vả nhưng phần thưởng thì hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tinh thần khi mỗi giáo viên được nhận 100.000 đồng. 

Đã là nhà giáo thì cần phải liên tục tìm tòi, thay đổi phương pháp giảng dạy. Đấy là mục đích mà hàng năm giáo viên đều được kêu gọi viết sáng kiến kinh nghiệm. Tuy nhiên, sáng kiến kinh nghiệm loại B của thành phố trên tổng số hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm của các trường thì “món quà tinh thần” mà giáo viên được nhận là 150.000 đồng. “Nhiều người sẽ nghĩ, viết làm gì, đầu tư tiền đánh máy, tư liệu, thiết bị dạy học... cũng phải bỏ túi ra tiền triệu để được nhận lại 150.000 đồng? Đúng là vậy, nhưng tôi thì vẫn viết, hàng năm vẫn nộp sáng kiến kinh nghiệm bởi với tôi đây là cách để tự bản thân phải có trách nhiệm với công việc, phải suy nghĩ, phải đổi mới...” - cô Phương Anh chia sẻ.

Không thể ngồi chờ tăng lương

Hàng nghìn thậm chí cả triệu giáo viên trên cả nước vẫn đang hàng ngày cần mẫn đem kiến thức của mình để xây đắp tương lai cho mỗi học sinh và cũng chính là tương lai của đất nước. Câu chuyện đồng lương sao cho xứng với công sức của giáo viên, để giáo viên sống được bằng nghề, tâm huyết với nghề đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy vậy, ai cũng hiểu không thể trông đợi ngày một, ngày hai có thể chuyển biến ngay. Vậy là các thầy, các cô phải tự tìm cách cải thiện thu nhập. “Đa số giáo viên phải nhận dạy thêm. Đó là cách có thêm thu nhập bằng chính nghề nghiệp, công sức của mình dù không phải là điều mọi giáo viên mong muốn khi đồng lương không đảm bảo cuộc sống. Điều này càng trở thành áp lực với giáo viên khi mà dư luận xã hội đang hiểu và phân tích theo hướng xấu đối với việc dạy thêm, học thêm của giáo viên. Tôi khẳng định là đa số, giáo viên dạy thêm bằng chính năng lực bản thân với mong muốn học sinh của mình tiến bộ, dạy thêm từ nhu cầu của người học chứ không phải hoàn toàn là ép buộc là chiêu trò như xã hội vẫn lên án” - cô Phương Anh chia sẻ.

Tuy nhiên với cô Phương Anh, dạy thêm không phải là phương án duy nhất để lấp vào chỗ trống của thu nhập. Sẵn sàng từ chối những lớp học thêm với học sinh của mình nếu không cần thiết, niềm say mê và yêu thích của cô giáo là cùng học sinh của mình duy trì câu lạc bộ phóng viên nhỏ từ nhiều năm nay dưới sự tài trợ của các tổ chức xã hội. “Các em được cọ sát với công việc thực sự, được sử dụng các trang thiết bị, được tìm hiểu, phản ánh cuộc sống qua cách nhìn của chính bản thân. Tôi cho rằng đấy là những bài học thực sự hữu ích cho học sinh thay vì chỉ ngồi trên lớp học ở trường hay lớp học thêm ở nhà cô”. Không những vậy, việc đăng ký tham dự các dự án của các tổ chức phi chính phủ quốc tế như UNESCO, hay các kỳ thi không chính thức như làm phim, phóng sự dành cho giáo viên học sinh đã giúp cô Phương Anh và học sinh của mình có không ít những chuyến hành trình trong nước hay nước ngoài. 

Không nhiều giáo viên có thể thoát khỏi công việc kiếm sống hàng ngày để có thể thực sự sống với niềm say mê và yêu thích của bản thân, cô Phương Anh thừa nhận. “Nhưng nếu bạn là một nhà giáo năng động, yêu nghề, bạn không thể ngồi chờ đồng lương nhích dần theo thâm niên. Còn nhiều con đường để đi mà vẫn chung một mục đích” - cô giáo chia sẻ.

Ông Phạm Tất Dong, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương: Thế hệ trẻ không lựa chọn nghề sư phạm là lỗi của người lớn

Theo nhìn nhận của tôi, vị thế nhà giáo ngày nay được nâng lên rất nhiều, họ có chính sách, chế độ đãi ngộ của nhà nước, có chỗ đứng riêng của một nhà giáo. Vậy nhưng, tình trạng thế hệ trẻ không lựa chọn nghề sư phạm đang là vấn đề xã hội được đề cập khá nhiều hiện nay. Theo tôi, đây là lỗi của người lớn. Học sinh không được định hướng nghề nghiệp, không hiểu ý nghĩa của việc trở thành người thầy trong khi đa số lại thích bay nhảy, cuốn vào guồng máy công nghiệp hiện đại thì không mấy ai lựa chọn trở thành giáo viên. Thực tế nữa là lương giáo viên còn thấp. Nếu về nông thôn thì thấy nhà giáo còn rất khó khăn, đáng lẽ thầy cô giáo phải có hình ảnh đẹp mỗi khi lên lớp, khi ra đường nhưng ở nông thôn sẽ không ai phân biệt được đâu là thầy cô giáo, đâu là nông dân. Quan điểm của tôi, thầy cô giáo phải thuộc tầng lớp trung lưu thì mới có thể thực sự dạy tốt được và thu hút được nhiều chất xám tham gia vào ngành này.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Vẫn có cách tăng lương cho giáo viên

Theo tôi, chính sách với giáo viên cần được quan tâm với mức lương cao hơn các ngành khác cùng trình độ từ  10-15%, được hưởng phụ cấp gia đình, nhà ở, đi lại, tiền thưởng... Nói chung mức thu nhập phải đảm bảo cho cuộc sống của giáo viên và gia đình thì họ mới toàn tâm làm việc ở nhà trường. Đặt vấn đề tiền ở đâu, theo tôi hiện nhà nước có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng với việc rút ngắn thời gian học bậc phổ thông. Có nhiều người cho rằng hiện nay giáo dục đang quá tải và học 12 năm mới đủ. Tôi không đồng tình với ý kiến này, vì nếu nói như vậy thì 20 năm cũng không đủ. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, không thì bỏ, thế nên sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn. Trước đây cũng đã có thời gian dài phổ thông chỉ học 11 năm vẫn phù hợp. Nếu làm được như vậy số tiền tiết kiệm được sẽ góp phần giải bài toán đời sống giáo viên hiện nay.