Lương gắn liền quyền lợi

ANTĐ - Đúng vào ngày 1-7, lương tối thiểu của cán bộ công nhân viên được điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng, từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Theo Bộ Nội vụ, kinh phí để tăng lương tối thiểu được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2012 của các cơ quan hành chính, sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương. Theo một khảo sát mới đây, các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn nên lương tối thiểu sẽ kéo theo quỹ lương tăng, tiền đóng bảo hiểm tăng làm đội giá thành sản phẩm.

Trong tình cảnh kinh doanh chật vật như hiện nay, doanh nghiệp cầm cự không để thua lỗ đã là cả một sự nỗ lực lớn. Việc tăng lương tối thiểu mặc dù mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động, nhưng lại là gánh nặng lớn đặt trên vai doanh nghiệp. Chủ tịch một số hiệp hội lớn như sắt thép, da giày… cũng như một số tập đoàn, tổng công ty cho biết, họ đã phải “cắn răng” bán lỗ để giải phóng hàng tồn, lấy tiền trả nợ ngân hàng và trả lương cho người lao động. Dù mức lương tối thiểu chỉ tăng 100 nghìn đồng cũng khiến chi phí tăng thêm hàng chục tỷ đồng/tháng, trong khi vẫn phải đảm bảo đóng bảo hiểm xã hội theo lương mới cho người lao động cộng với các chi phí khác sẽ bị đội lên, đẩy chi phí đầu vào tăng. Lương tối thiểu tăng là niềm vui khá “ngắn ngủi” đối với người lao động, bởi họ vẫn canh cánh nỗi lo quyền lợi chính đáng bị cắt xén, xà xẻo.

Trước hết là “đánh” vào dạ dày với bữa ăn trưa vừa không đủ no, vừa không đủ chất. Theo kết quả vừa được khảo sát, điều tra, hiện nay đa số doanh nghiệp đều có mức giá bữa ăn trưa từ 8.000-12.000 đồng/suất nhưng “cõng” theo cả giá điện, gas, công sá. Thế nhưng các chủ cơ sở nấu ăn công nghiệp còn rút “lõi” suất ăn kiếm lời và “lại quả” cho người ký hợp đồng. Trừ mọi chi phí đi kèm, theo đánh giá của cơ quan chức năng, suất ăn của công nhân chỉ đáng giá 5.000-6.000 đồng. Đó chỉ là chuyện bữa ăn, ở hầu hết các khu công nghiệp trong cả nước, rất nhiều quyền lợi mà phía doanh nghiệp phải trả cho công nhân đã bị họ ngang nhiên xà xẻo. Chẳng hạn như ép làm thêm giờ nhưng không trả đủ tiền, ký các hợp đồng không đúng loại, trốn đóng bảo hiểm, không khám bệnh định kỳ cho người lao động hoặc khám qua quýt, không tập huấn an toàn lao động và kiểm tra môi trường làm việc. Người lao động bị cắt xén quyền lợi đã diễn ra trong nhiều năm nay, họ đã kêu ca, phản ứng bằng cách ngừng làm việc tập thể, bỏ việc. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, song tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Người lao động có quyền được hưởng những quyền lợi chính đáng, được đóng bảo hiểm, được nghỉ ngơi hợp lý, có bữa ăn chất lượng, bảo đảm dinh dưỡng…

Ngoài nỗi lo muôn thuở: giá tăng trước lương, tăng lương không đuổi kịp giá, người lao động còn lo ngại, nếu tăng lương tối thiểu không gắn liền quyền lợi lao động được cải thiện và đảm bảo, thì đời sống sẽ chẳng nhích lên được bao nhiêu.