Lương công chức thấp do bị cào bằng

ANTĐ -Dù lương công chức, viên chức ở nước ta đã được điều chỉnh 7 lần trong 8 năm qua nhưng hiện vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống.

Lương công chức vẫn cần được điều chỉnh

Bộ máy phình quá to

Quỹ lương công chức, viên chức hiện nay chiếm đến 40% tổng thu của ngân sách nhà nước. Thế nhưng theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2011, mức lương tối thiểu đối với khu vực hành chính - sự nghiệp là 830.000 đồng/tháng chỉ mới đảm bảo cho nhu cầu tối thiểu về chi tiêu lương thực, thực phẩm, chưa đảm bảo các chi phí khác. Vậy, tại sao lương của công chức, viên chức vẫn thấp và làm thế nào để có thể tăng lương được? Tại hội thảo đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ công chức, viên chức do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức ngày 10-2, ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI, XII nhấn mạnh, nguyên nhân là do việc xây dựng tiền lương hiện nay vẫn chủ yếu bằng cảm tính, lẫn lộn giữa các khu vực hưởng lương, cào bằng giữa các đối tượng hưởng lương.

 “Có thể nói tiền lương công chức, viên chức hiện nay vừa thấp, vừa cao bởi đội ngũ công chức đang phình quá to trong khi số làm việc hiệu quả thực sự lại rất ít. Tôi cho rằng cần phải tinh giảm 40% công chức, viên chức không đủ năng lực, chất lượng theo yêu cầu hiện nay, số lương không phải trả cho các đối tượng này chính là nguồn để tăng lương cho những người có chuyên môn, nghiệp vụ. Phải xây dựng bảng lương theo công vụ, chức danh, tiêu chuẩn cán bộ…” - ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lợi, phải tách biệt toàn bộ tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội, người có công, tiền hưu trí để chi tiêu quỹ lương hợp lý hơn. Điều này có thể thấy được khi mỗi lần điều chỉnh lương, quỹ lương lại đối mặt với khó khăn rất lớn bởi không chỉ công chức, viên chức được nâng lương mà các đối tượng hưu trí, người có công cũng được điều chỉnh lương theo.

Lẫn lộn các khu vực công

TS. Trần Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hòa Bình (nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính-Sự nghiệp, Bộ Tài chính) cho rằng, tinh giảm biên chế là việc làm cần thiết và phải làm quyết liệt mới tạo ra được nguồn để nâng lương cho số công chức, viên chức làm việc thực sự. Có một vấn đề không mới và chúng ta đã thực hiện nhưng chưa mới, chưa quyết liệt, đó là tách biệt rõ các đối tượng làm việc trong khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp. Bởi cải cách tiền lương ở khu vực hành chính và sự nghiệp có nhiều điểm giống nhau nhưng nguồn tài chính cho cải cách tiền lương ở 2 khu vực này lại khác nhau nên giải pháp cũng phải khác nhau. Thực tế, công chức làm việc trong khu vực hành chính hưởng lương hoàn toàn từ ngân sách, còn viên chức, người làm việc trong khu vực sự nghiệp ngoài phần lương từ ngân sách còn có nguồn thu nhập khác.

TS. Hà cho biết, với khu vực hành chính, ngoài tinh giảm biên chế cần tiền tệ hóa tiền lương, nghĩa là phải tiền tệ hóa các tài sản hỗ trợ cho công chức như ô tô, điện thoại, nhà cửa… vào chi phí tiền lương. Còn với khu vực sự nghiệp, cần phải tăng nguồn thu ngoài ngân sách bằng việc chuyển thu phí thành thu theo giá, nghĩa là điều chỉnh mức thu phí (viện phí, học phí…) gần với giá thị trường hơn hoặc chuyển thu phí một lần sang thu phí theo giá bán dịch vụ… Được biết, trong đề án điều chỉnh tiền lương sắp trình Quốc hội tới đây có một điểm mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc chi trả lương công chức, viên chức phải tách biệt thành 4 loại: khối hành chính, khối sự nghiệp, khối an ninh quốc phòng và khối an sinh xã hội, để quyết định trả lương phù hợp hơn.

Lương bao nhiêu là hợp lý?

TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, lương công chức hiện thấp, không đủ sống nhưng thực tế, thu nhập ngoài lương của đối tượng này lại rất lớn. Vậy thu nhập ngoài lương của công chức đến từ đâu? Ông Dũng nhấn mạnh, thu nhập ngoài lương vẫn chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, từ việc lạm dụng chức vụ, cửa quyền để xin-cho, biếu xén, tổ chức “sân sau”… Phần khác đến từ nhân dân đóng góp, chẳng hạn như y tế, giáo dục, hay cán bộ hành chính có thu nhập ngoài lương từ dự án, đề tài…

 “Vấn đề là chúng ta không có sự giám sát, không có giới hạn… nên thu nhập của công chức không biết đến bao nhiêu là đủ, trong khi thực tế có bộ phận không nhỏ công chức hưởng lương đơn thuần. Điều đó tạo ra hình ảnh méo mó về tiền lương công chức, viên chức” - ông Dũng phân tích. Để cải thiện tình trạng này, cái cốt vẫn là phải mạnh dạn “sắp xếp và đào thải” công chức, trả lương theo trình độ, công vụ, có vậy thì cải cách tiền lương mới đảm bảo tính công bằng.