Lương cao, nhân viên hàng không vẫn “buôn lậu”

ANTĐ - Lương cao, được xem là ngành nghề mơ ước của nhiều người, nhưng phi công và tiếp viên hàng không vẫn liều mang hàng lậu. Hành vi này không những vi phạm luật mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành hàng không quốc gia, tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam.

Lương cao, nhân viên hàng không vẫn “buôn lậu” ảnh 1Siêu lợi nhuận từ hàng “xách tay” là lý do khiến nhiều tiếp viên hàng không tiếp tay hoặc tham gia trực tiếp vận chuyển hàng lậu (Ảnh minh họa)

Sức hút từ hàng xách tay

Vụ việc phi công Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1980 và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong sinh năm 1988 của Vietnam Airlines bị lực lượng chức năng Hàn Quốc bắt giữ vì mang 6kg vàng không khai báo đã nối dài thêm danh sách nhân viên hàng không buôn hàng lậu trong những năm gần đây.

Ông Vũ Thế Phiệt, Giám đốc cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, qua rà soát toàn bộ quy trình soi chiếu, yêu cầu kíp trực an ninh hôm xảy ra sự việc tường trình cũng như rà soát lại hệ thống camera tại sân bay Nội Bài vào ngày 10-3-2015, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường từ tổ lái. Theo ông Vũ Thế Phiệt, trường hợp tổ bay giấu vàng dưới đế giày và đi qua cổng từ, chắc chắn sẽ bị phát hiện và khi đó, nhân viên soi chiếu sẽ phải chịu trách nhiệm. Tương tự, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương cho rằng, khó có thể giấu vàng dưới đế giày để đi trong cả một đoạn đường dài từ lúc làm thủ tục xuất cảnh, qua điểm kiểm tra an ninh và ra cổng lên máy bay.

Trả lời câu hỏi, vậy 6kg vàng được phi công Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong mang lên máy bay trót lọt như thế nào? Ông Vũ Thế Phiệt cho rằng, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng Hàn Quốc. Vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ nên phía cảng cũng không biết vàng được đưa lên như thế nào. “Các bộ phận soi chiếu, kiểm tra đã làm đúng và hết trách nhiệm của mình”, ông Vũ Thế Phiệt khẳng định. 

Mặc dù vụ việc trên chưa ngã ngũ, nhưng thực trạng nhân viên hàng không  mang hàng xách tay kiếm lời không phải là hiếm với không ít vụ tai tiếng. 

Tháng 4-2012, nam tiếp viên Thái Anh Tiến (31 tuổi) tham gia đường dây vận chuyển hàng lậu là đồ điện tử từ Australia về Việt Nam tiêu thụ, khi qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất – TP.HCM  bị phát hiện và bắt giữ. Tiếp viên Thái Anh Tiến bị TAND TP.HCM tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù treo. Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã lần theo các dấu vết từ tháng 10-2008 và xác định có khoảng 400 kiện hàng đã được hơn 30 tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển trái phép từ Australia về Việt Nam.

Gần đây nhất, tháng 4-2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị Cơ quan cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) bắt giữ vì nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 yên Nhật (tương đương 25,7 triệu đồng). Liên quan đến vụ việc, một cơ phó và 4 nữ tiếp viên khác của Vietnam Airlines cũng đã bị cảnh sát thẩm vấn và yêu cầu Vietnam Airlines dẫn độ sang Nhật Bản để phục vụ điều tra.

Ảnh hưởng uy tín hàng không Việt Nam

Qua nhiều vụ việc, Vietnam Airlines đã siết chặt quản lý thành viên tổ bay bằng việc tăng cường trách nhiệm giám sát cho cơ trưởng, tiếp viên trưởng. Nếu phát hiện tiêu cực, cơ trưởng và tiếp viên trưởng có quyền quyết định không cho thành viên vi phạm tham gia tổ bay. Bên cạnh đó, thành viên tổ lái cũng không được mang valy loại lớn khi tham gia các chuyến bay quốc tế. “Tuy nhiên, việc tuân thủ còn tùy thuộc vào ý thức của từng cá nhân. Vietnam Airlines rất tiếc khi hành vi của một số ít nhân viên đã làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín của hãng”, đại diện Vietnam Airlines thừa nhận. Đối với các cá nhân vi phạm nghiên trọng liên quan đến buôn lậu hàng hóa, 

Vietnam Airlines cho biết, sẽ bị buộc phải thôi việc. Tuy vậy, theo đại diện của hãng, bên cạnh các biện pháp quyết liệt của hãng, cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa từ cơ quan hữu quan như hải quan, xuất nhập cảnh tại các sân bay để giải quyết tận gốc vấn đề. 

Cho đến nay, vẫn chưa rõ việc đưa hàng hóa lậu lên máy bay bằng cách nào. Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết thêm, có rất nhiều lực lượng không đi qua khu vực soi chiếu an ninh trong sân bay như các nhân viên kỹ thuật tàu bay, nhân viên công ty suất ăn, cung ứng xăng dầu… Những người này chỉ đi qua cổng cửa vào khu bay và chỉ bị kiểm tra bằng mắt thường và máy dò kim loại cầm tay. Nhưng dù gì,  việc nhân viên hàng không tham gia buôn lậu không những là hành vi cố tình vi phạm luật pháp mà còn làm xấu hình ảnh về hàng không quốc gia, sẽ khiến các quốc gia siết chặt an ninh, an toàn đối với các chuyến bay của Việt Nam.

Theo cam kết của lãnh đạo Vietnam Airlines trong năm 2015, lương cơ trưởng tàu bay B777- A330 là 163 triệu đồng/người/tháng. Cơ trưởng tàu bay A321 là 143,8 triệu đồng/người/tháng; cơ trưởng tàu bay ATR 72 là 114,2 triệu đồng/người/tháng. Lương tiếp viên hàng không xấp xỉ 19 triệu đồng/người/tháng. Hiện Vietnam Airlines có hơn 800 phi công, trong đó chiếm 70% là phi công Việt Nam, còn tiếp viên chủ yếu là người Việt Nam.