Luôn xác định trước mục tiêu

ANTĐ - T  hầy giáo đưa nhóm học sinh vào rừng dã ngoại, ngồi dưới bóng mát của cây, thầy bỗng hỏi: “Giả sử các em vào rừng chặt cây, có một cây to và một cây nhỏ, các em sẽ chặt cây nào?”. 

Đám học sinh nhao nhao trả lời không chút đắn đo rằng tất nhiên là chặt cây to, thầy giáo lại bảo: “Nhưng cây to chỉ là bạch dương còn cây nhỏ là thông, các em vẫn chặt cây to chứ?”. Đám học sinh trả lời ngay: “Chúng em sẽ chặt cây nhỏ vì cây thông bán đắt hơn bạch dương”.

Thầy giáo cười hỏi tiếp: “Thế nếu cây thông cong queo còn bạch dương lại thẳng tắp thì sao?”, lúc này, đám học sinh bắt đầu phải suy nghĩ và chần chừ, bảo nhau: “Cây thông tuy bán đắt hơn bạch dương nhưng cong queo thế thì làm gì, hay là vẫn chặt bạch dương?”. “Bạch dương thẳng tắp nhưng trong thân bị sâu ăn mục ruỗng hết cả, các em vẫn chặt bạch dương chứ?” - thầy giáo lại hỏi.

Đám học sinh càng phân vân: “Thế thì phải chặt thông thôi, chứ bạch dương mục ruỗng hết rồi còn làm gì được”. Thầy giáo lại bảo: “Nhưng cây thông rất cong queo, khó chặt vô cùng”, đám học sinh lại băn khoăn rồi trả lời: “Vậy thì chúng em chặt cây bạch dương vì đằng nào cũng không dùng được nên chọn cây dễ chặt cho xong”. “Thế nhưng trên cây bạch dương lại có một tổ chim với các con chim non vừa mới nở, các em sẽ chặt cây nào?” - thầy giáo vẫn hỏi tiếp.

Một học sinh bèn hỏi: “Thưa thầy, rốt cuộc là thầy muốn dạy chúng em điều gì, những câu hỏi vừa rồi là để làm gì ạ?”. Thầy giáo lúc này mới ôn tồn nói: “Tại sao các em không tự hỏi mình: Rốt cuộc chặt cây để làm gì? Tuy các điều kiện thầy đưa ra thay đổi nhưng chúng không quyết định gì cả mà yếu tố quyết định chính là mục tiêu ban đầu của các em. Nếu muốn lấy củi thì các em chặt cây bạch dương còn nếu muốn lấy gỗ làm đồ mỹ nghệ thì các em cần chặt cây thông. Bài học thầy muốn nói với các em ở đây chính là: Xác định mục tiêu và luôn tập trung vào nó, không được để các yếu tố xung quanh ảnh hưởng tới. Mục tiêu rõ ràng, tư tưởng thông suốt, tinh thần kiên định mới có thể thành công”.