Luôn nghĩ đến những điều thuận lợi nhất cho người dân

ANTD.VN - Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ nhân dân thật tốt. Chủ trương xuyên suốt ấy của Công an thành phố  Hà Nội được nhiều địa bàn, nhiều cán bộ, chiến sỹ trăn trở suy nghĩ, từ đó “bật” ra những cách làm vừa có lợi cho người dân, vừa phục vụ hiệu quả công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Giải tỏa lo lắng cho người dân

Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ tại khu phố Ga, thị trấn Thường Tín (Hà Nội), bộc bạch như vậy khi nói về những thay đổi, chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của mình từ đầu năm 2016 trở lại đây. 

Nhiều năm trước, học theo mô hình kinh doanh nhà trọ từ nhiều hộ dân trên địa bàn, cũng để phục vụ sinh viên các trường Cao đẳng Truyền hình, Cao đẳng Sư phạm Hà Tây gần nhà, gia đình chị Hiền quyết định cho thuê trọ. Phần diện tích không quá rộng của ngôi nhà được co kéo, chỉnh đổi công năng, thế là có thêm được mấy phòng trọ để “thêm đồng ra đồng vào”.

Chị Hiền nhớ lại, cũng từ thời điểm đó, nguồn thu tăng nhưng lúc nào cũng thấp thỏm. Không phải lo không có khách đến thuê trọ, mà bởi cung cách sinh hoạt có phần tùy tiện của nhiều sinh viên. Nào là không ăn ở cố định, nào là rủ bạn về chơi quá khuya… Khu trọ của gia đình chị Hiền, giống như nhiều hộ kinh doanh khác, từng xảy ra hiện tượng trộm cắp vặt. “Tài sản bị mất giá trị không quá lớn, nhưng ức và lo lắm. Lại thêm tâm lý một mất mười ngờ”, chị Hiền chia sẻ.

Giúp giải tỏa lo lắng của những hộ kinh doanh nhà cho thuê như gia đình chị Hiền chính là chuyên đề quản lý, hướng dẫn đảm bảo chấp hành quy định kinh doanh nhà trọ, được Công an thị trấn Thường Tín xây dựng, triển khai từ đầu năm 2016. Có mấy vấn đề rất “được” ở chuyên đề này.

Đầu tiên, chắc chắn nhiều địa bàn ở Hà Nội đang gặp khó khăn khi thuyết phục, vận động để cá nhân, tổ chức cho thuê trọ, nhất là nhà trọ bình dân, thực hiện việc đăng ký kinh doanh. Chuyên đề của Công an thị trấn Thường Tín đã giải được vấn đề  ấy, như quả quyết của Đại úy - Phó trưởng Công an thị trấn Tô Văn Quốc: “100% các hộ kinh doanh thuê trọ bình dân tại địa bàn đều đăng ký và nộp thuế môn bài nhà trọ”.

Câu chuyện ở đây không đơn thuần là việc tránh thất thu thuế cho Nhà nước mà lớn hơn, nó đem lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý và chính các hộ kinh doanh.

Cùng Thượng úy Đỗ Vinh Quang - Cảnh sát khu vực khu phố Ga đến một số nhà trọ ở địa bàn, chúng tôi thấy rõ sự khớp nối giữa cán bộ cơ sở và các chủ nhà trọ, từ nội quy nhà trọ đến sổ sách ghi chép, số điện thoại đường dây nóng để hướng dẫn, thông tin về khách trọ. Vận động được hộ cho thuê trọ đăng ký kinh doanh đòi hỏi sự tận tụy, kiên trì.

Trong quá trình làm, Cảnh sát khu vực Công an thị trấn Thường Tín không chỉ giải thích rõ quy định pháp luật cho người dân; phân tích sự cần thiết khi chủ nhà và cán bộ cơ sở nắm chắc thông tin về khách trọ mà công an cơ sở còn làm việc với cơ quan thuế, đề nghị có những ưu tiên tối đa về mức thuế mà hộ kinh doanh phải nộp. Thiện chí, ý nghĩa công việc của lực lượng công an cơ sở đã giúp “chuyển” nhận thức của nhiều hộ cho thuê trọ. Hiện tượng trộm cắp giảm hẳn, và mỗi khu phố cũng trở nên bình yên hơn.

Kho lưu trữ mở, người dân đến là phục vụ

Đặc thù công việc của cảnh sát khu vực là làm việc các buổi sáng và tối, tại trụ sở Công an phường hay ở các khu dân cư. Mỗi cảnh sát khu vực phụ trách ít nhất không dưới 200 hộ dân. “Công tác” công an có sự đúc kết, công việc mang tính chất tổng hòa nhất, chính là cảnh sát khu vực.

Họ vừa phải làm công tác nghiệp vụ, vừa gắn bó, tiếp xúc nhiều nhất với người dân. Phần lớn thời gian của người cảnh sát khu vực là bám địa bàn, xuống địa bàn. Thế nên, việc bố trí, sắp xếp thời gian biểu thế nào để cảnh sát khu vực vừa nắm chắc địa bàn, vừa hoàn thành tốt chuyên môn, phục vụ nhân dân, không hề đơn giản.

Từ yếu tố đặc thù ấy, CAP Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai đã mày mò nghiên cứu, thí điểm mô hình Kho lưu trữ mở, dành riêng cho Cảnh sát khu vực. Một phần hội trường trên tầng 5 trụ sở cơ quan được khoanh riêng, để đặt những kệ hồ sơ quản lý công dân. Mỗi cảnh sát khu vực một kệ; trong mỗi kệ có hồ sơ lưu trữ, với tất cả thông tin hộ dân, cá nhân cư trú.

Thượng úy Đinh Quang Minh - Phó trưởng CAP Hoàng Văn Thụ giới thiệu, hồ sơ lưu trữ được áp dụng cho công dân từ KT1 đến KT4, thậm chí cả công nhân làm việc ở công trường xây dựng hoặc học sinh, sinh viên thuê trọ. Mỗi cá nhân, mỗi hồ sơ có trường thông tin đi kèm, chi tiết từ số CMND, Căn cước công dân, đến tình trạng hôn nhân, các địa chỉ từng cư trú hay nhân thân có hay chưa tiền án, tiền sự. Đặc biệt với người nơi khác về thuê trọ, tạm trú, phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân, có xác nhận của nơi đăng ký hộ khẩu.

Với những trường đầy đủ thông tin này, CAP Hoàng Văn Thụ nâng cao một bước tính năng của kho lưu trữ mở. Đó là bất kỳ Cảnh sát khu vực nào trong giờ ứng trực, làm việc tại đơn vị, đều có trách nhiệm và giải quyết được nhu cầu xác nhận của công dân, kể cả nếu công dân đó không cư trú tại “ô” mình phụ trách.

“Nhiều địa bàn, cảnh sát khu vực đi học, hoặc nghỉ phép, hay chuyển công tác, việc xác nhận giấy tờ cho công dân sẽ không thuận tiện. Nhưng khi áp dụng mô hình Kho lưu trữ mở, trước đề nghị của người dân, chúng tôi dễ dàng đối chiếu hồ sơ, rồi ký xác nhận. Làm điều này, sẽ giúp người dân không phải đi lại nhiều lần và cũng đỡ… phàn nàn về cảnh sát khu vực”, Thượng úy Đinh Quang Minh nhìn nhận.

Đến tận cơ sở làm thủ tục cấp Căn cước công dân

Tới thời điểm này, có khoảng 4.000 công dân cư trú tại quận Long Biên được các tổ công tác Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAQ, phối hợp với Công an 14 phường về tận khu dân cư, trường học, cơ quan, để làm thủ tục cấp đổi, cấp mới căn cước công dân. Đây là con số của sự nỗ lực, cố gắng khi mà Tổ Chứng minh của đội vẻn vẹn 5 người; vừa đảm bảo ứng trực tại trụ sở đơn vị để giải quyết bình quân 100 hồ sơ căn cước, chứng minh nhân dân mỗi ngày, vừa tổ chức đi lưu động.

Trung tá, Đội trưởng Nguyễn Thị Ngọc Hoa tâm sự: “Ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, đối với cán bộ Tổ chứng minh nhân dân là khái niệm khá… xa xỉ. Hết đi cơ sở lại về đơn vị hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo tiến độ trả căn cước, chứng minh. Làm ngoài giờ chưa xong, việc sẽ phải xong vào ngày nghỉ”. Mệt và thèm phút quây quần, nghỉ ngơi với gia đình, con cái, bạn bè lắm chứ nhưng công việc và hơn hết, ý thức được nhu cầu của công dân, nên ai cũng động viên ai, cố gắng.

Trên dưới 4.000 hồ sơ căn cước, chứng minh nhân dân đã được giải quyết ấy, có những người dân sức khỏe yếu, đang điều trị tại bệnh viện, mà nếu không đủ giấy tờ sẽ không được hưởng bảo hiểm. Có những người mấy chục năm không sử dụng đến giấy tờ tùy thân, nhưng khi được các chiến sỹ công an đến tận nhà thông báo, giải thích, mới nhận thức được giá trị, sự cần thiết của nó.

Nhiều trong đó là các thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… những chuyến đi về tận cơ sở, phục vụ tận tình của Tổ Chứng minh lưu động CAQ Long Biên đã ghi dấu, khắc sâu trong suy nghĩ mỗi người dân sự cảm phục hình ảnh đẹp của chiến sỹ Công an Thủ đô.

Tin cùng chuyên mục