Luộc bánh chưng bằng nước "giếng thần"

ANTĐ - “Cuộc sống đã đổi thay, tên làng giờ được gọi bằng phố, nhưng với người dân chúng tôi thì cái tên giếng làng hay “giếng thần” vẫn bất biến”. Đó là khẳng định của cụ Nguyễn Văn Hiền (76 tuổi) ở tổ 4, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.

Người dân Gia Quất luôn biết ơn những bậc tiền nhân đã tạo ra
dòng nước quý hiếm để nuôi dưỡng dân làng

Giếng không có tuổi

Mặc trời buốt giá, chúng tôi đi theo cái chỉ tay ngoắt ngoéo của mấy người dân ở gần ga Gia Lâm tiến dần vào làng Gia Quất. Gọi là làng do thói quen, thực ra bây giờ là cụm dân cư hoặc phố Gia Quất. Nhắc đến “giếng thần”, cụ Nguyễn Văn Hiền, một bậc cao niên trong làng chậm rãi: “Chẳng ai biết chính xác giếng có từ khi nào. Song có một điều chắc chắn là ngay khi lập làng, lập xóm, người dân cần phải có nước để ăn uống, tắm giặt”. Thế nên theo suy luận của cụ Hiền thì rất có khả năng “giếng thần” ở làng được hình thành từ thế kỷ thứ 11. Làng Gia Quất được khai sinh từ triều nhà Lý, cụ thể là đời Vua Lý Nhân Tông. Ngoài những vật thể và phi vật thể còn lưu lại thì bằng chứng sinh động nhất hiện nay là ngôi đình của làng vẫn đang được nhân dân thờ phụng hai vị tướng tài ba là Đức Minh Trụ và Đức Minh Khiết. Hàng năm cứ đến ngày 9, 10 tháng 2 (âm lịch)  dân làng Gia Quất nói riêng, nhân dân trong vùng nói chung lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ công ơn của những vị thành hoàng. “Để trả lời chính xác câu hỏi “giếng thần” có từ bao giờ thì bản thân tôi cũng như các cụ cao tuổi trong làng sẽ chẳng thể nào làm hài lòng nhà báo được. Nhưng dứt khoát giếng đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, thậm chí là cả nghìn năm có lẻ” - cụ Hiền cho biết. Theo lý giải của bậc cao niên này, ngày cụ còn là một cậu bé thì đã thấy giếng rêu phong. 

Nói về sự thần kỳ của nước “giếng thần”, cụ Hiền chia sẻ, nước ở đây không bao giờ cạn, kể cả khi xảy ra hạn hán, lòng sông Hồng và sông Đuống lộ đáy. Mùa hè, nước giếng mát lạnh, còn mùa đông lại ấm nóng. Nước trong vắt không khác nào nước cất. Cũng theo cụ Hiền, từ ngày cụ sinh ra đến nay, dân làng Gia Quất mới có hai lần phải nạo vét đáy giếng để loại bỏ phù sa, những thứ bẩn rơi vãi xuống.    

                

Bánh ngon bởi nước “thiêng”

Trong câu chuyện, điều khiến cụ Trương Văn Giáp (72 tuổi) luôn tự hào chính là dùng nước “giếng thần” luộc bánh chưng trong ngày Tết. “Người dân Gia Quất thì chẳng ai để ý. Chỉ có những người như chúng tôi mới dễ dàng nhận ra” - cụ Giáp tâm đắc. Cụ Giáp chia sẻ, nếu luộc bánh chưng bằng nước “giếng thần” thì khi bóc ra cả bánh và lá dong đều xanh mướt. Lúc bóc bánh lá dong không bao giờ tước mất lớp bánh bên ngoài. Bánh lại có độ rền và lâu thiu, lâu mốc hoặc đóng cứng, kể cả khi gặp thời tiết nồm ẩm. Thông thường muốn bánh chưng Tết có được các đặc tính trên lại nhừ, nhuyễn thì phải luộc ít nhất 12 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, dùng nước “giếng thần” nấu bánh thì thời gian chỉ còn 7 - 8 tiếng.

Cụ Giáp kể, ngày còn trẻ, mỗi dịp về quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng ăn Tết, cụ thấy bánh chưng ở quê mình chẳng thể nào sánh với bánh chưng Gia Quất. Ban đầu cụ Giáp chỉ nghĩ đó là do “lỗi” kỹ thuật làm bánh và luộc bánh mỗi địa phương khác nhau. Dần dà, cụ nhận ra cứ ra khỏi làng Gia Quất, hay nói đúng hơn là nếu không dùng nước “giếng thần” luộc bánh chưng thì bánh sẽ không thể nào đạt được màu sắc, hương vị cũng như độ nhuyễn của gạo, đỗ và thịt… Chứng minh về sự nổi trội giữa bánh chưng được nấu bằng nước “giếng thần” với bánh chưng thiên hạ, cụ Hiền bảo: “Chẳng thế mà Gia Quất từng một thời ăn nên làm ra từ nghề bánh chưng. Thời kỳ ấy cũng mới chỉ cách nay vài ba chục năm thôi. Danh tiếng bánh chưng Gia Quất thơm ngon lan truyền nên hầu hết các gia đình trong làng đều làm bánh và lấy đó là một nghề để tăng thêm thu nhập”. Cụ Hiền giải thích thêm, “giếng thần” chắc chắn được tạo bởi một mạch nước ngầm có trữ lượng cực lớn, sau đó là trong thành phần nước có nhiều khoáng chất, nhất là lượng kẽm. Vì thế mà rất hữu dụng trong việc luộc bánh chưng cùng các loại bánh trái tương tự. 

Cụ Hiền còn bảo, do đời sống kinh tế phát triển, trong khi nghề làm bánh phải thức khuya, dậy sớm mà lời lãi chẳng đáng bao nên người dân dần “buông” nghề. Bây giờ, Gia Quất chỉ còn lại vài nhà làm bánh chưng chuyên nghiệp. Nhưng mấy năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về thì không khí làng nghề lại tưng bừng trở lại. Bởi người dân bên nội thành hoặc các đại lý cung cấp bánh chưng Tết thi nhau kéo sang Gia Quất đặt hàng. Liên quan đến “giếng thần”, cả cụ Hiền và cụ Giáp đều bày tỏ, trước đây đã thế và bây giờ vẫn vậy, cứ từ ngày 25 tháng Chạp trở đi là người dân làng Gia Quất lại kéo nhau ra xin nước “thần giếng” về luộc bánh chưng. Rồi chẳng biết từ khi nào, hễ tới đêm giao thừa, tất cả các gia đình trong làng đều cử người ra “giếng thần” lấy nước mang về để trong nhà, sau đó múc một bát đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt hơn, khi ra múc nước, mọi người phải tính toán làm sao để từ nhà ra giếng, rồi quay về phải đúng vào thời khắc sang canh thì sang năm mới gia đình mới an khang, thịnh vượng và nhiều tài lộc. Khi lấy nước, mọi người đều phải tuần tự xếp hàng, đồng thời tuyệt đối không nói chuyện dù chỉ một câu. “Cuộc sống đã đổi thay và tên làng giờ được gọi bằng phố, nhưng với người dân chúng tôi thì cái tên giếng làng hay “giếng thần” vẫn bất biến” - cụ Hiền quả quyết.

Ước nguyện của dân làng 

Chuyện về “giếng thần” mà cụ Hiền, cụ Giáp chia sẻ với chúng tôi, từ giai thoại này sang giai thoại khác và có lẽ phải mất tới cả ngày trời thì mới thỏa lòng được. Nhưng toát lên trên hết chính là sự thành kính của các cụ cao tuổi nói riêng và người dân Gia Quất nói chung với sự biết ơn vô hạn những bậc tiền nhân đã tạo ra dòng nước quý hiếm để nuôi dưỡng dân làng trong hàng trăm năm qua. Cũng chính vì thế mà từ ngày xửa ngày xưa, người dân Gia Quất đã đặt một bệ thờ nhỏ ngay bên miệng “giếng thần” như để bày tỏ sự tôn kính, suy tôn bậc tiền nhân làm lên “thần giếng”. Đời sống tín ngưỡng, đạo lý tốt đẹp ấy càng được bồi đắp thêm khi có một cây vối đã “vô tình” mọc lên, tựa cái ô che kín bệ thờ và một phần miệng giếng. 

Theo dân làng Gia Quất, cây vối cũng chỉ mới vài chục năm thôi, nhưng tán tỏa rất rộng và trông chẳng khác nào mâm xôi khổng lồ. Trải qua bao đận mưa to, gió lớn, vậy mà chưa bao giờ cây bị gãy hay xơ xác. Trái lại, nó luôn vươn cao, và không ngừng tỏa bóng mát. Cách đây chưa lâu, người dân Gia Quất bảo nhau cùng đóng góp công sức, tiền của tôn tạo lại ban thờ thành một ngôi miếu nhỏ, để nhắc nhở con cháu nhìn nhận về một trong những “chứng nhân” quan trọng nhất của làng… Tuy nhiên, vào thời điểm này, “giếng thần” đã bị xuống cấp nghiêm trọng, khu vực quanh miệng giếng biến thành nơi tích tụ nước bẩn. Vì thế làm mất đi sự tôn nghiêm cũng như sự trong lành của “giếng thần”.

Trước những giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần nên ông Bình, Hội Người cao tuổi và toàn dân ở cụm dân cư Gia Quất đang ngày đêm trông ngóng sự quan tâm, xem xét của cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương về “giếng thần”. Nếu được thì nhanh chóng có biện pháp tôn tạo, bảo vệ, đồng thời đưa “giếng thần” vào quần thể di tích văn hóa, lịch sử cách mạng của cụm đình chùa hiện nay.