Lực lượng pháp chế CATP: Giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật

ANTĐ - Từ 5 cán bộ đầu tiên của lực lượng pháp chế CATP Hà Nội và Công an tỉnh Hà Tây (cũ) trải qua 40 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, lực lượng pháp chế Công an Thủ đô hôm nay đã lớn mạnh với 33 CBCS Phòng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, cùng hàng trăm cán bộ pháp chế kiêm nhiệm tại công an các quận, huyện.

Lực lượng pháp chế CATP: Giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật  ảnh 1Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP cùng đại diện phòng chức năng CATP đánh giá các bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp, một trong những hoạt động nổi bật của Phòng Pháp chế CATP Hà Nội trong năm 2015

Luôn làm “tròn vai”

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo Quyết định của Bộ Công an và Giám đốc CATP, Phòng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, thực hiện là Thường trực của 7 Ban Chỉ đạo gồm: BCĐ Cải cách tư pháp, BCĐ Cải cách hành chính, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, BCĐ thực hiện dân chủ, Chi hội luật gia CATP, BCĐ triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hà Nội, BCĐ triển khai thi hành Luật Đất đai, đồng thời là thành viên của 10 Ban Chỉ đạo khác của CATP.

Phát huy truyền thống 40 năm qua, lực lượng pháp chế Công an Thủ đô  ngày càng trưởng thành, “làm tròn vai” một lực lượng hướng dẫn, tuân thủ pháp luật của Công an Hà Nội. Với nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, đạt hiệu quả, chỉ tính riêng từ năm 2003 đến nay, Phòng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp đã tổ chức gần 300 lớp học, mỗi lớp từ 1.000 - 2.000 CBCS) tập huấn pháp luật chuyên sâu cho cán bộ chủ chốt và CBCS trong CATP và các đơn vị. Cùng với đó, lực lượng pháp chế các đơn vị trong CATP đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.

Một chức năng nổi bật quan trọng của lực lượng pháp chế Công an Thủ đô là nhiệm vụ tham mưu. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, đơn vị đã tham mưu giúp lãnh đạo CATP tham gia góp ý kiến xây dựng, thẩm định hàng nghìn dự thảo văn bản; tổ chức rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra trên 1.000 văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về ANTT trên địa bàn thành phố; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật giúp lãnh đạo công an các cấp chỉ đạo, giải quyết trên 1.000 vụ việc liên quan đến chấp hành các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực công tác của CATP.

Đã giúp lãnh đạo CATP ban hành trên 100 văn bản có nội dung quy phạm pháp luật, hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy định của pháp luật trên các lĩnh vực công tác của CATP; Đã tư vấn pháp luật giúp Ban Giám đốc CATP xử lý các vụ việc phức tạp về ANTT. Đặc biệt trung bình mỗi năm, đơn vị tham mưu, nghiên cứu, tư vấn trên 200 văn bản pháp luật giúp Giám đốc CATP với tư cách Đại biểu Quốc hội, Ủy viên UBNDTP.

Không ngừng trưởng thành và phát triển

Xác định công tác cải cách tư pháp là một tất yếu khách quan, là một nhiệm vụ vừa mang tính trước mắt vừa phải mang tính chiến lược, thực hiện thường xuyên lâu dài, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP kiện toàn lại Ban Chỉ đạo của CATP; quyết định kiện toàn tổ giúp việc Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp và Quy định chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cải cách tư pháp CATP.

Nhờ đó, công tác cải cách tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng: Lực lượng làm công tác tư pháp đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, nhận thức về việc chấp hành pháp luật chuyển biến tích cực; công tác điều tra phòng, chống tội phạm được nâng cao, bước đầu đã kết hợp tốt công tác trinh sát và công tác điều tra… Trong đợt Tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2013), CATP đã vinh dự được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác công an.

Từ ngày chính thức được “đặt tên” vào tháng 10-1975 đến nay, lực lượng pháp chế Công an Thủ đô đã không ngừng củng cố và phát triển, khẳng định là một bộ phận không thể thiếu, không tách rời trong cơ cấu, tổ chức bộ máy của lực lượng công an; hoạt động pháp chế ngày càng có hiệu quả trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.