Luật sư nói gì về vụ gian lận xét nghiệm tại Bệnh viện Xanh Pôn?

ANTD.VN -Phân tích vụ việc nhân viên BV Xanh Pôn gian lận xét nghiệm dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu kết quả xác minh là có thật thì việc cán bộ của bệnh viện cắt đôi hàng nghìn que thử HIV, viêm gan trước khi tiến hành xét nghiệm là hoàn toàn sai với quy trình khám bệnh, chữa bệnh và quy trình xét nghiệm. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi, cần bị xử lý nghiêm khắc.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, liên quan đến thông tin phản ánh về việc nhân viên y tế của Bệnh viện Xanh Pôn đã cắt đôi que thử HIV và viêm gan B khi tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Xanh Pôn đình chỉ công tác 3 cán bộ của khoa Vi sinh có liên quan. 

Theo Luật sư Lê Hồng Vân, sự việc xảy ra ngay giữa bệnh viện lớn nhất thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội làm dư luận dậy sóng, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Hành vi cắt đôi que thử của các cán bộ y tế phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, y đức bởi nó có thể khiến kết quả xét nghiệm của bệnh nhân không đảm bảo chính xác khi được phân tích.

"Để xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan cần thiết có sự vào cuộc của cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm xảy ra, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm. Các nhân vi phạm tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Nơi lấy bệnh phẩm xét nghiệm tại BV Xanh Pôn

Theo thông tin ban đầu, hành vi sai phạm của một số cán bộ y tế Bệnh viện Xanh Pôn có dấu hiệu của tội Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS 2015. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức;  Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm.  Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Về dấu hiệu cấu thành của tội phạm, chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Về mặt khách quan, trước hết, người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, sử dụng có một cách trái phép nhằm mục đích họ đặt ra, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng.

Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc. Khác với các tội phạm khác, hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này - Luật sư Hồng Vân nhận định.