Luật sư nói gì về hành vi của các đối tượng trong vụ cướp ngân hàng ở Sóc Sơn, Hà Nội?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, cơ quan CSĐT Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về các hành vi cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, che giấu tội phạm xảy ra vào ngày 20-4 tại ngân hàng Techcombank chi nhánh Sóc Sơn (Hà Nội).

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, hiện Cơ quan CSĐT đã khởi tố nghi phạm về tội Cướp tài sản và tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố bổ sung hành vi che giấu tội phạm đối với các bị can khác. 

Điều 168 BLHS 2015 về tội Cướp tài sản quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 18-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khẩu súng đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội

Mặt khách quan của tội cướp tài sản có hành vi dùng vũ lực. Đó là hành vi của người phạm tội dùng sức mạnh có tính vật chất tác động vào thân thể của người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc bất cứ người nào cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội, làm cho những người đó không thể kháng cự lại hoặc làm tê liệt ý chí kháng cự để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng chiếm đoạt của hành vi cướp tài sản là tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tài sản của công dân. Đối với tội danh này, việc hậu quả có xảy ra hay không (có lấy được tài sản hay không), giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mà chỉ có ý nghĩa về định khung hình phạt. Thời điểm hoàn thành của tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm – Luật sư Hồng Vân nhận định.

Về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, Điều 304 BLHS 2015  quy định, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1-7 năm.

Đối với Tội che giấu tội phạm, Điều 389 BLHS 2015 nêu rõ,  người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản)…nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-5 năm.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, đối tượng Trần Hữu Trung (29 tuổi, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai và mang găng tay, giả dạng khách hàng đến chi nhánh ngân hàng. Khi vào nơi giao dịch, Trung nổ súng uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm cướp số tiền 900 triệu đồng. Do một nhân viên nhấn nút báo động nên đối tượng chạy ra ngoài.

Khi bị lực lượng bảo vệ ngân hàng cản trở, đối tượng bắn phát súng thứ 2 để thị uy rồi lên xe máy bỏ trốn. Mặc dù rất may, vụ nổ súng không gây thiệt hại về người, phía ngân hàng cũng không bị cướp tiền, song hành vi phạm tội của nghi phạm rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật.

Kết quả xác minh cho thấy, đối tượng đã sử dụng vũ khí quân dụng súng K59 bắn 2 lần. Để xác định đúng người, đúng tội, CQĐT sẽ làm rõ hành vi bắn súng của nghi phạm sử dụng có nhắm thẳng vào nhân viên giao dịch và bảo vệ ngân hàng không. Trường hợp có căn cứ cho rằng nghi phạm nhằm thẳng vào các cá nhân trên để bắn, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về Tội giết người theo Điều 123 BLHS trong trường hợp phạm tội chưa đạt.