Luật hóa đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc

ANTD.VN - Với việc bổ sung, sửa đổi nhiều điều mục dựa trên nền tảng luật ban hành năm 2005, Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt, vốn được xem là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua.

Sáng 31-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Luật Đường sắt được ban hành năm 2005, tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số những tồn tại bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt, cũng như sự đầu tư cho lĩnh vực này không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn và nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật này.

Luật Đường sắt sửa đổi sẽ góp phần nâng cao độ an toàn cho loại hình vận tải này

Theo Báo cáo thẩm tra, Dự thảo Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa GTVT đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. 

Việc quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị phải tạo nên năng lực chủ lực trong vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tốc độ nhanh và trong toàn bộ vận hành của mạng lưới vận tải công cộng trên các đô thị lớn và nối kết liên vùng, kết nối quốc tế.

Về vấn đề đất dành cho đường sắt, thực tế cho thấy vấn đề quản lý sử dụng đất dành cho đường sắt còn nhiều bất cập. Hiện tượng lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt xảy ra khá phổ biến, đồng thời việc quản lý khai thác, sử dụng đất tại các khu ga chưa hiệu quả. 

Bên cạnh đó, trong tương lai sẽ xuất hiện các nhà đầu tư thuộc nhiều thành phần kinh tế đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, do đó, cần thiết xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt trong Dự thảo Luật để khắc phục những bất cập nêu trên.

Về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các quy định của Dự thảo Luật về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao bảo đảm việc triển khai xây dựng trên thực tế các loại đường sắt này theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên cần quy định những loại hình công nghệ sử dụng trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa các loại đường sắt này. 

Theo lịch, ngày 18-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 9 Chương, 95 Điều, quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt.