Luật hóa đường sắt cao tốc

ANTD.VN - Mặc dù chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam từng bị Quốc hội không thông qua vào năm 2010, tuy nhiên tại dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) vẫn có một chương về đường sắt tốc độ cao. Nhiều ý kiến xung quanh nội dung này đã được thảo luận tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều qua (12-9).

Việc đầu tư đường sắt cao tốc rất tốn kém, do đó cần đánh giá kỹ về hiệu quả

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) dành 1 chương để quy định về đường sắt tốc độ cao, quy định về chính sách phát triển, yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, quản lý, bảo trì, quản lý an toàn và các yêu cầu chung khi đầu tư xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, lý do đề xuất nội dung này là theo Chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao. Trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, đây là công tác chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ lớn hơn 200 km/h.

Báo cáo thẩm tra dự luật này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao nhằm bảo đảm việc triển khai xây dựng trên thực tế các loại đường sắt này theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện cũng như những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao.

Ủng hộ quan điểm phải có đường sắt tốc độ cao song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc đầu tư cần có một nguồn lực rất lớn trong khi chưa biết hiệu quả ra sao. Vấn đề đặt ra là xây dựng đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành hàng không? 

Nhắc lại chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc đã bị Quốc hội khoá XII không thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn, Quốc hội chưa có chủ trương mà làm luật thì có ổn không?

Làm rõ những băn khoăn nêu trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông  - Vận tải  Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2010, Quốc hội chưa thông qua chủ trương làm đường sắt cao tốc và yêu cầu làm rõ một số vấn đề, đặc biệt là hiệu quả và lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực, làm rõ phần nào Nhà nước đầu tư và phần nào tư nhân tham gia.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục nghiên cứu tiền khả thi và mới đây đã báo cáo Chính phủ và kiến nghị về lộ trình thực hiện. “Theo đó, tới năm 2018, sẽ trình lên Chính phủ, nếu được Chính phủ thông qua, sẽ trình Quốc hội xem xét và phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020. Công việc tiếp theo là chuẩn bị tiền đề để xây dựng đoạn thí điểm và đoạn ưu tiên”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến, sau năm 2020, sẽ xây dựng thí điểm tuyến từ TP.HCM đi Long Thành (Đồng Nai) để vận hành khai thác thử, chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo con người.

“Giai đoạn tiếp theo sẽ tiến hành xây dựng các đoạn ưu tiên tiếp theo. Ngoài năm 2030 trở ra sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ TP.HCM đi ra Đà Nẵng. Chúng ta không thể làm suốt tuyến Bắc - Nam ngay nhưng cuối cùng sẽ kết nối được từ Bắc vào Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.

Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, dù các dự án giao thông đường bộ, đường không khác được triển khai thì với nhu cầu vận tải của những năm tới, vẫn cần phải có tuyến đường sắt tốc độ cao, kết nối Bắc - Nam. Với tính chất đặc thù như vậy thì việc đưa nội dung này vào luật là cần thiết.