Giá sữa tăng hàng loạt:

Luật hở, doanh nghiệp lách, cơ quan quản lý vô hiệu

ANTĐ - Những ngày gần đây, một câu chuyện khiến người dân vô cùng bức xúc đó là việc hé lộ giá sữa gốc của một loại sữa được cho là nhập khẩu từ Pháp với mức chênh lệch gấp 3,4 lần khi bán tại Việt Nam, trong khi đó hàng loạt các hãng sữa vẫn đưa ra mức giá tăng chóng mặt, từ 10-15%. Lâu nay giá sữa là một trong những mặt hàng thiết yếu  được ưu tiên bình ổn. Thế nhưng nhiều năm qua, các cơ quan chức năng gần như  bị vô hiệu hóa trong bài toán quản lý giá.

Minh họa: Internet

Giá sữa cao hơn giá vốn 200%

Khảo sát của phóng viên tại thị trường Hà Nội cho thấy, hầu hết các hãng sữa nội và ngoại đã tăng giá. Theo một khảo sát về giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu của các hãng như Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, XO… tại nước ta với các nhãn sữa cùng loại được bày bán tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiến hành mới đây đã cho thấy: so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, giá sữa nhập khẩu của Việt Nam nhìn chung cao hơn từ 20-60%, cá biệt có trường hợp còn cao hơn từ 100-150%. Chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ là rất lớn. Cụ thể sữa Enfa Grow A+  của công ty Mead Johnson loại 900g chênh lệch tới 242%, sữa Dugro Gold loại 800g của công ty Dumex chênh lệch 285%, sữa Gain, Pedia Sure, Ensure của công ty Abbott loại 400g chênh lệch 220 - 246%.

Trong khi đó, theo các chuyên gia về giá, thực tế giá sữa nguyên liệu nhập khẩu trong nhiều tháng qua không tăng, các chi phí đầu vào vẫn ổn định. Hiện giá sữa nguyên liệu loại nguyên kem nhập khẩu khoảng 90.000 đồng/kg, sữa gầy hơn 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, các chi phí khác như vỏ hộp, nhân công, khấu hao thiết bị máy móc, các chất bổ sung không nhiều. Một hộp sữa loại 900g có giá thành 120.000- 130.000 đồng/hộp, trong khi giá bán trên thị trường dao động 250.000- 510.000 đồng/hộp. 

Tha hồ lách luật

Theo nhãn hàng Mead Johnson hầu hết sản phẩm thuộc dòng sữa Enfa của nhãn hàng đều tăng khoảng 10%, mức tăng này được đại diện hãng giải thích là do thay đổi mẫu mã, bao bì chứ không phải do nguyên liệu đầu vào hay yếu tố khác làm tăng giá. Tương tự lý do Dumex tăng giá cũng là thay đổi mẫu mã bao bì. Đây là lý do được nhiều hãng sữa lựa chọn, và đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Việc thay đổi bao bì thực ra là một chiêu lách luật mà các hãng sữa vẫn thường áp dụng khi muốn tăng giá mà giá cả nguyên vật liệu đứng yên. Đây là một lý do khó chấp nhận. Việc thay đổi bao bì không phải là nhu cầu của người tiêu dùng. Điều mà người tiêu dùng quan tâm đó là chất lượng sữa và giá cả. Tuy nhiên thực tế nó vẫn được chấp nhận. Tại sao các cơ quan quản lý biết điều này mà không có những biện pháp can thiệp, xử lý?

Theo quy định của Luật Giá, từ ngày 1-1-2013, doanh nghiệp phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi. Còn lại, các sản phẩm sữa khác, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết. Để lách luật, các hãng sữa đã thay đổi tên gọi từ sữa bột sang thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung theo kiểu “sữa mà không phải là sữa” để không phải kê khai mỗi lần điều chỉnh giá. 

Chính vì vậy, cơ quan quản lý giá sẽ không thể kiểm soát được mỗi lần tăng giá và mức tăng có hợp lý hay không. Ví dụ trên bao bì hộp Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, sản phẩm Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Đối với sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi thì ghi là thực phẩm bổ sung, trong khi thành phần chính của nó vẫn là sữa bột. Theo giải thích của các hãng sữa, bao bì sản phẩm không ghi sữa bột mà là thực phẩm bổ sung nhằm phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế. Vì đối với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì sữa bột chỉ là thực phẩm bổ sung, còn sữa mẹ vẫn là chính. Còn các thành phần trong sữa bột vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Bộ Y tế đã đồng ý cho phép chuyển nhãn mác. 

Như vậy là có sự không thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Chính sự không đồng nhất về phía các cơ quan quản lý khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Thêm vào đó là sự không thống nhất giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Bộ Công thương thì quản lý thị trường và phần giá thì liên quan đến Bộ Tài chính. Trong khi thị trường và giá cả liên quan chặt chẽ với nhau. Cơ quan quản lý bên thì thổi còi dừng lại, bên lại bật đèn xanh, kết cục là cơ quan quản lý không thể quản lý nổi, còn mọi thiệt thòi thì người tiêu dùng phải hứng chịu, thậm chí phải hứng chịu trong nhiều năm. Còn doanh nghiệp thì tha hồ mà thổi phồng giá với đủ mọi lý do mà họ tự vẽ ra như thay đổi bao bì, chí phí nhân công, chi phí quảng cáo, tiếp thị… 

Chẳng hạn như việc thay đổi bao bì, đó là nhu cầu của các hãng sữa chứ không phải của người tiêu dùng. Tại sao bỗng dưng lại phải thay đổi bao bì? Câu trả lời là: một mũi tên trúng hai đích: Vừa có cớ để tăng giá vừa có thể lách luật để biến những hộp sữa thành thực phẩm bổ sung để không phải đăng ký giá.

Cũng theo quy định, thời gian tối thiểu tăng giá là trong vòng 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Để “lách” quy định này, các hãng sữa vô tư điều chỉnh tăng giá bán miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20%. Bằng chứng là chỉ tính từ năm 2009 đến nay, nhiều công ty sữa đã tăng giá đến hơn 10 lần, mỗi lần tăng ít nhất 5% - 7%. 

Quá chán khi nói đến giá sữa

Đặt câu hỏi về việc tăng giá sữa phi lý trong nhiều năm qua với các chuyên gia kinh tế, nhiều người đã trả lời rằng quá chán khi nói đến giá sữa. Vì có nói thế hay nói nữa thì cũng chẳng thay đổi được điều gì. Điều đó cho thấy sự bất lực, việc bị vô hiệu hóa của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý giá sữa.

Lâu nay, các  hãng sữa đều vô tư tăng giá một cách dễ dàng và hoàn toàn nắm quyền chủ động. Thích thì tăng. Do chính kẽ hở quản lý nên giá sữa mới có thể tăng cao và tăng vô lý khiến người tiêu dùng luôn trong tình trạng bị “xử ép”. Dù cơ quan chức năng biết, người dân biết giá sữa quá cao so với giá thành nhập khẩu, lên tới 200%. Hoặc như sữa Danlait giá gốc là hơn 80.000 đồng nhưng đã được doanh nghiệp bán với giá hơn 400.000 đồng. Nhưng vẫn không hề có biện pháp xử lý nào để kéo giá sữa xuống. 

Thực tế đó khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có việc ngại khó, tắc trách và sự im lặng để các doanh nghiệp tự tung tự tác hay không. Nếu như luật pháp không còn phù hợp hoặc có những bất cập thì phải được sửa đổi. Trong những trường hợp tình thế, chưa thể thay đổi luật pháp thì cần có các giải pháp tình thế. Cần có sự phối hợp thống nhất giữa các bộ đề ra những quy định pháp lý cụ thể trong những trường hợp cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.Nếu để tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, các doanh nghiệp tha hồ lách luật như hiện nay thì người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng. Cơ quan quản lý Nhà nướ cần phải trả lời câu hỏi: Vì sao giá sữa tại Việt Nam lại cao bất thường  so với các nước trên thế giới và trong khu vực như vậy? 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Quản lý sữa vẫn còn sơ hở

- Thưa ông, lâu nay, chúng ta quản lý giá sữa bằng việc đăng ký giá. Hình  thức này có còn phù hợp?

- Quản lý giá sữa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước. Tuy nhiên bất cập là hạn chế của luật có nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lách. Quản lý giá sữa không như xăng dầu mà chỉ là đăng ký giá. Bản thân việc đăng ký giá không có ý nghĩa lớn vì kê khai để báo chứ không phải để kiểm duyệt nên ý nghĩa không cao. 

- Ông nhìn nhận thế nào về việc các doanh nghiệp chuyển từ sữa sang thực phẩm bổ sung?

- Việc họ lách bằng việc chuyển từ sữa sang thực phẩm bổ sung là một cách lách luật, cho thấy mặt trái và kẽ hở của luật quản lý giá.

- Theo ông, việc quản lý giá sữa phải được thực hiện như thế nào để có hiệu quả?

- Theo tôi, các cơ quan chức năng trong thời gian tới cần bổ sung các cơ sở pháp lý bằng một quy định như là sữa và các sản phẩm có dùng đến sữa như là nguyên liệu chủ yếu phải kê khai giá. Quy định như vậy bao quát hơn và tránh được những kẽ hở. Thứ hai là phải có chế tài cụ thể và đủ mạnh để giảm bớt vi phạm. Thứ ba là cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát và sử dụng các phương tiện xã hội để nâng cao giám sát.

- Các công ty sữa hiện nay vẫn tăng giá theo hứng và luôn đưa ra những lý do khó chấp nhận?

 - Điều đó là do độc quyền. Cần phải bỏ độc quyền, cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay độc quyền sữa rất lớn. Điều đó là do doanh nghiệp nhưng cũng có lỗi từ các cơ quan chức năng quản lý cạnh tranh, chống độc quyền. 

- Thế còn về phía người tiêu dùng -người luôn hứng chịu thiệt thòi từ những bất cập của cơ quan quản lý và thói quen kinh doanh không lành mạnh của các công ty sữa, ông có lời khuyên gì với người tiêu dùng?

- Người tiêu dùng vẫn thường sính ngoại mà không biết rằng chính điều này đã tiếp sức cho độc quyền, đẩy giá sữa tăng cao. Người tiêu dùng cần hiểu biết chất lượng sữa đích thực, tẩy chay những hãng sữa bán giá quá cao so với giá thực.  

- Cảm ơn ông!