Luận bàn về logic học văn - làm báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người thường nghĩ, những người thiên hướng về văn chương thì đam mê đọc sách, ham viết lách. Tương tự như vậy, người làm báo cũng cần đọc và viết rất nhiều. Vì lẽ đó mà lúc nhỏ học văn, lớn lên làm báo dường như là sự lựa chọn nghề nghiệp hợp lý nhất. Học văn càng giỏi thì làm báo càng giỏi. Nhưng sự thực không đi theo logic tuần tự như thế.
Nhà báo Thanh Hoàn

Nhà báo Thanh Hoàn

Hồi còn nhỏ, tôi là học sinh chuyên văn. Ngay từ lớp 5, tôi đã được học trong “lò luyện” văn của trường năng khiếu huyện. Một học sinh ở tỉnh lẻ, miền Trung du như tôi mà lớp 5 đã được đọc và học cách viết văn hay từ các học giả nổi tiếng trên cả nước thời bấy giờ cũng là một may mắn. Sang lớp 6, học sinh chuyên văn chúng tôi đã được học Truyện Kiều và học các thể thơ. Khi ấy, chúng tôi đã có thể làm không ít bài thơ theo thể thơ khác nhau mà cô giáo yêu cầu. Tất nhiên, với nền tảng như vậy, tôi và bạn bè cũng gặt hái không ít thành quả từ các cuộc thi học sinh giỏi văn cấp huyện, cấp tỉnh. Tốt nghiệp THPT, tôi chọn học báo. Cô giáo chủ nhiệm, bạn bè, người thân của tôi đều cho rằng đây là lựa chọn hợp lý vì học văn sẽ làm báo, học văn giỏi sẽ làm báo giỏi.

Gần 15 năm trong nghề, tôi thấy nhận định trên chưa hẳn đã chuẩn xác. Người học văn thường có nền tảng về ngữ pháp, về ngôn từ chính xác và phong phú hơn người học trong lĩnh vực khác. Họ cũng có khả năng đọc chậm và suy ngẫm nhiều hơn, chưa kể, khả năng tư duy hình ảnh, tổng hợp, phân tích, liên hệ với kiến thức lịch sử, địa lý cũng không phải điều khó khăn. Những lợi thế này được thể hiện rõ khi làm báo. Tuy nhiên, không phải cứ học văn mới làm được báo. Xung quanh tôi có rất nhiều đồng nghiệp học khối ngành tự nhiên, kỹ thuật đang làm báo và làm nghề khá giỏi. Thậm chí, nhiều người giỏi hơn cả những người có nền tảng văn chương. Thế mạnh của người học ngành kỹ thuật là tư duy, phản xạ nhanh; ngữ pháp, diễn đạt ngắn gọn, chính xác; khả năng phân tích lý luận tốt.

Thực tiễn chứng minh, logic học giỏi văn thì làm báo càng giỏi không phải lúc nào cũng đúng

Thực tiễn chứng minh, logic học giỏi văn thì làm báo càng giỏi không phải lúc nào cũng đúng

Báo chí có rất nhiều thể loại như: tin, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh, phóng sự, chính luận… Báo chí cũng phản ánh mọi mặt của đời sống trên mọi lĩnh vực như: chính trị, xã hội, văn hóa, thể dục thể thao, công nghệ… Với mỗi thể loại và lĩnh vực khác nhau, nhà báo sẽ đòi hỏi nhà báo có tố chất khác nhau. Chẳng hạn như phóng viên văn hóa thường có tâm hồn lãng mạn, ngôn từ trong bài viết phải uyển chuyển, đưa đẩy, giàu hình ảnh và liên tưởng tốt. Vì thế nền tảng về văn học sẽ phát huy thế mạnh của mình với mảng công việc này hơn. Trong khi đó, lĩnh vực chính trị, công nghệ… lại cần sự nhạy cảm, tỉnh táo, ngắn gọn và chính xác mà người có thiên hướng văn học chưa chắc làm tốt hơn. Ngay trong môi trường làm việc nhỏ là ban chuyên môn của tôi, có đến hơn nửa số người đều không phải học khối ngành xã hội hoặc được đào tạo báo chí chính quy.

Thế nhưng họ vẫn được đồng nghiệp ghi nhận về khả năng chuyên môn tốt, được nhiều giải thưởng báo chí quý giá. Trong khi đó, những người thực sự yêu văn chương có thể lựa chọn sáng tác văn học, thơ ca, làm công việc biên dịch… Học văn và làm báo gặp nhau ở một điểm chung là kiến thức nền về ngôn ngữ và ngữ pháp tiếng Việt.

Báo chí là nghề nghiệp đặc biệt. Nó đòi hỏi người làm báo phải chuẩn chỉ ngay từ nhận thức, tư duy đến câu chữ thể hiện. Mặt khác, nghề nghiệp cũng đòi hỏi người làm báo phải nhanh nhẹn, nhạy cảm và có sức chịu đựng, phản xạ linh hoạt với tính “thất thường”, bất ngờ của sự kiện. Người làm báo cũng cần có phông nền văn hóa tốt về mọi lĩnh vực của đời sống để tác phẩm báo chí không cung cấp thông tin sai lệch, không định hướng sai dư luận xã hội. Do đó, dù là người giỏi văn hay giỏi môn học khác thì đều làm được nghề báo, có thể trở thành nhà báo giỏi, miễn là nhà báo đó phải chịu khó học hỏi, đam mê, trách nhiệm với nghề nghiệp, với bạn đọc.