Lựa chọn trường quốc tế hay trong nước?

(ANTĐ) - Mong muốn con em mình có thể giao tiếp, học tập trong một môi trường năng động, nói giỏi ngoại ngữ, lớp học đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất tốt... đã khiến nhiều bậc phụ huynh cân nhắc giữa trường quốc tế và trường công lập trong nước.
Kẻ tám lạng người nửa cân Cân nhắc, hỏi ý kiến khá nhiều người kinh nghiệm có con đang theo học tại một số trường quốc tế tại Hà Nội, cuối cùng chị Nguyễn Phương Nga, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng quyết định cho con theo học trường công lập trong nước. Lý do mà chị Nga đưa ra là học trường trong nước, con chị sẽ dễ dàng hơn khi chuyển sang các trường khác bởi kiến thức chắc hơn, chuẩn giáo dục cũng dễ phù hợp với môi trường giáo dục trong nước hơn so với trường quốc tế.
Trường Quốc tế Hà Nội-một trong những trường chuẩn quốc tế có uy tín tại Hà Nội 
 Trường Quốc tế Hà Nội-một trong những trường chuẩn quốc tế có uy tín tại Hà Nội
Suy nghĩ của chị Nga cũng chung quan điểm với khá nhiều phụ huynh đang có con ở độ tuổi tiểu học, THCS. Anh Hoàng Văn Tú, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ đánh giá: “Tôi cho rằng ở cấp học tiểu học và THCS không cần thiết phải cho con học ở trường quốc tế, vừa tốn kém, vừa là sự đầu tư không hiệu quả. Tôi thấy học ở những trường trong nước bây giờ cũng rất nhiều trường tốt, học phí lại vừa phải, giáo viên có nhiều kinh nghiệm, nghiêm khắc với trẻ. Hơn nữa, các trường này tập trung dạy tốt các môn tự nhiên đặc biệt là ở lớp chọn. Có thể, môn tiếng Anh học sinh ở các trường công lập trong nước không được học nhiều như trường quốc tế nhưng không có nghĩa là các em học ở các trường trong nước không có khả năng học giỏi ngoại ngữ. Các em có thể đi học thêm tiếng Anh ở các trung tâm để bổ sung kiến thức cho mình. Con tôi sẽ thi đại học tại Việt Nam nên tôi khuyên cháu chọn học trường công dù điều kiện kinh tế gia đình tôi hoàn toàn có thể lo cho cháu học tại các trường quốc tế”. Song không ít bậc phụ huynh băn khoăn vì cơ sở vật của một số trường trong nước còn nhiều hạn chế, học sinh không được học tiếng Anh sớm và học tăng cường, sĩ số lớp đông, chương trình giảng dạy quá nặng so với lứa tuổi khiến trẻ không thể có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Bên cạnh đó, việc học “nặng”, dù vì lý do gì cũng gây áp lực cho trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần lẫn thể chất các em. “Chương trình phổ thông ở các trường trong nước không chú trọng đến các kiến thức thường thức, mà chỉ dạy những kiến thức khoa học, lý thuyết suông, ít tạo cơ hội thực hành, nhồi nhét chứ không động viên, phát huy khả năng khám phá, sáng tạo và tư duy của trẻ. Điều này gây ra sự thiếu tự tin đối với trẻ. Tôi hy vọng các trường trong nước nên cho trẻ học cách tư duy, thực hành, học thuật, kỹ năng sống và phát triển toàn diện các năng lực hoạt động thể thao, xã hội… của học sinh hơn là lý thuyết”, chị Vũ Thùy Chi nhận xét. Rằng hay thì thật là hay Hiện nay, xu hướng cho con học ở các trường quốc tế ngay từ bậc tiểu học của các bậc phụ huynh ngày càng tăng. Nguyên nhân là do những trường này có cơ sở vật chất tốt, dạy học theo mô hình nước ngoài, giáo viên chủ yếu là người nước ngoài. Tại những trường này, ngoài việc được tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên, học sinh còn được học các kỹ năng, tư duy theo phong cách nước ngoài, được thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp các em tự tin, hòa đồng và tự lập hơn. Bên cạnh đó, xu thế hội nhập và đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển khiến nhận thức của phụ huynh về đầu tư giáo dục cho con em có nhiều thay đổi. Phụ huynh luôn mong muốn con em mình có thể giao tiếp học tập trong một môi trường năng động, nói ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ, lớp học có cơ sở vật chất tốt. Tuy vậy, phụ huynh nào thực sự có điều kiện thì nên cho con học trường quốc tế đến hết lớp 12 và đi du học, bởi nếu đang học nửa chừng thì không thể ra ngoài học trường công lập tại Việt Nam được, vì trình độ của 2 hệ thống trường này không đồng nhất. Điều đáng nói là mức học phí của các trường quốc tế tại Hà Nội hiện nay vào khoảng trên dưới 3.500 USD/năm với cấp tiểu học và cao hơn ở các cấp học tiếp theo. Tuy vậy ở những trường quốc tế, các môn văn hóa không được dạy kỹ, chi tiết bằng các trường công lập. Hơn nữa, vốn tiếng Việt của các em có thể bị mai một do các em chủ yếu dùng tiếng Anh ở lớp. Theo cô Nguyễn Thanh Hà - giáo viên một trường tiểu học công lập thuộc quận Ba Đình: “Trường quốc tế có ưu điểm giảng dạy nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh, nhưng việc cho điểm dễ dãi của giáo viên khiến học sinh lầm tưởng về khả năng của mình. Khi tiếp nhận một số em học sinh ở trường quốc tế chuyển về tôi rất ngạc nhiên khi thấy có những học sinh đã học gần hết cấp 1 nhưng vẫn viết sai chính tả, viết tự do, không biết cách sắp xếp câu, từ, ý tứ. Khi bị điểm xấu các em còn có phản ứng với cô vì cho rằng cô cho điểm không đúng”... Với khả năng tài chính vượt trội, các trường quốc tế có điều kiện tiếp thu được những cái tốt của giáo dục quốc tế, nhưng dường như những trường này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt (tăng cường tiếng Anh, chăm sóc đưa đón học sinh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa…) chứ chưa xây dựng được một chương trình giáo dục tiên tiến thực sự. Hiện nay, chương trình của các trường quốc tế ở Việt Nam đều phải được Bộ GD-ĐT phê duyệt, bao gồm một số môn cơ bản trong chương trình khung của Bộ. Việc các trường quốc tế vừa phải dạy các chương trình theo chuẩn của Bộ, vừa phải bổ sung các chương trình khác nên có thể sẽ gây quá tải cho học sinh. Dù các trường áp dụng chương trình quốc tế nào thì điều căn bản là phải xuất phát từ mục tiêu của học sinh, phụ huynh cũng như phù hợp với các nhu cầu phát triển của xã hội. Hơn nữa, dù giáo viên nước ngoài khá chủ động nhưng nếu không làm cho họ hiểu rõ đặc thù của học sinh Việt Nam, không có chương trình cụ thể để định hướng giảng dạy và cơ quan quản lý chặt chẽ nội dung, chất lượng dạy và học thì mô hình giáo dục sẽ mất phương hướng và không đạt hiệu quả như mong muốn. Theo chúng tôi, nếu các bậc phụ huynh muốn con mình sau này có cơ hội tốt chuẩn bị cho việc đi du học nước ngoài thì việc học ở trường công lập hay trường quốc tế không phải là điều cơ bản, mà quan trọng nhất chính là tinh thần tự giác học tập, không ngừng phấn đấu của các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.
Không nên đánh giá chất lượng qua tên gọi

Hiện nay, những trường học có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội chia làm 2 nhóm: nhóm lợi nhuận và phi lợi nhuận. Nhóm các trường phi lợi nhuận chủ yếu nằm trong các đại sứ quán, được mở ra nhằm mục đích phục vụ con em các cán bộ ngoại giao. Đối với nhóm trường  mở ra vì mục đích lợi nhuận, bên cạnh những trường 100% vốn nước ngoài, chỉ đào tạo học sinh có quốc tịch nước ngoài thì tại Hà Nội mới xuất hiện một số trường đào tạo theo hình thức liên kết, những trường này liên kết với đối tác nước ngoài và có đối tượng theo học đa phần là học sinh người Việt Nam. Tuy chương trình học của các trường này vẫn tuân thủ theo chương trình chung của Bộ GD-ĐT Việt Nam nhưng được đưa thêm một số môn học của nước ngoài vào trong chương trình học.

Về nguyên tắc, Sở GD-ĐT Hà Nội là đơn vị quản lý về chất lượng giáo dục tại các trường song do đây là hình thức giáo dục khá mới mẻ nên công tác quản lý còn mang tính mày mò và gặp nhiều bỡ ngỡ. Học phí tại các trường được thu theo thỏa thuận giữa hai bên trên tinh thần tự nguyện. Giáo viên nước ngoài giảng dạy tại trường ngoài các bằng cấp về chuyên môn phải có giấy phép lao động. Trong môi trường giáo dục phong phú như hiện nay, khi mà phụ huynh có rất nhiều sự chọn lựa thì mỗi phụ huynh cần tìm hiểu rõ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường mà con em mình định theo học, không nên chỉ đánh giá trường qua tên gọi, hoặc theo số đông để bị cuốn theo.

Lựa chọn trường quốc tế hay trong nước? ảnh 2

Ông Nguyễn Tiến Trường
Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội