Lừa bán thực phẩm qua mạng: Vì sao nhiều nạn nhân nhanh chóng "sập bẫy"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời gian giãn cách xã hội, trước nhu cầu mua thực phẩm online của người dân tăng cao, nhiều đối tượng lừa đảo rao bán các loại thực phẩm qua Facebook, Zalo, dụ dỗ chuyển tiền trước rồi “lặn mất tăm”, hoặc giao thực phẩm kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận.

1001 thủ đoạn lừa

Những ngày qua, hàng trăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã vớ phải “quả đắng” khi đặt mua rau, hoa, khẩu trang từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho đối tượng Cao Thị Mỹ Linh. Số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng/người.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trang “Hữu cơ Đà Lạt” và Cao Thị Mỹ Linh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân trong thời gian dài, với kế hoạch được tổ chức rất bài bản. Do có một số người sau khi đặt mua hàng từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” đã rao bán lại sản phẩm trên trang facebook cá nhân nhằm kiếm lời nên các đối tượng này bèn giả khách hàng, gọi điện, nhắn tin đặt hàng để “khổ chủ” tiếp tục chuyển tiền mua thêm hàng từ trang “Hữu cơ Đà Lạt”. Theo tố giác của các nạn nhân, số tiền bị chiếm đoạt đã lên tới hàng trăm triệu đồng

Điều đáng nói là trang “Hữu cơ Đà Lạt” không chỉ lừa đảo qua hình thức bán nông sản mà còn rao bán cả khẩu trang y tế. Đầu năm 2020, do nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng đột biến, trang “Hữu cơ Đà Lạt” rao bán loại mặt hàng này với giá rẻ. Khi có khách nhắn tin, gọi điện đặt mua, người có tên Cao Thị Mỹ Linh giới thiệu đang làm việc cho công ty sản xuất khẩu trang có thể cung cấp số lượng lớn. Cả tin, không ít người đã lập tức chuyển khoản để đặt mua khẩu trang nhưng sau đó không thể liên lạc được với người bán.

Không ít người đã mất tiền oan khi đặt mua hàng từ trang "Hữu cơ Đà Lạt"

Không ít người đã mất tiền oan khi đặt mua hàng từ trang "Hữu cơ Đà Lạt"

Không chỉ có trang “Hữu cơ Đà Lạt” mà còn nhiều đối tượng khác cũng rao bán lương thực, thực phẩm trên mạng nhưng sau khi nhận tiền đặt cọc của khách lập tức khóa điện thoại hoặc chặn, hủy kết bạn trên mạng xã hội. Mới đây, Công an TPHCM, CATP.Thủ Đức đã bắt giữ Nguyễn Minh Phụng về hành vi lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Phụng liên tục lên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các loại dược phẩm, cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 để đi đường (600.000 đồng/tờ), đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng lập tức chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.

Các nạn nhân cần nhanh chóng tố cáo hành vi lừa đảo

Trước tình trạng trên, nhằm cảnh báo người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương đã đưa ra khuyến cáo, người dân nên ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, hãy lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Trước khi lựa chọn hàng hóa, nên tránh mua hàng không thực sự cần thiết và mua với số lượng quá nhiều…

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hầu hết các giao dịch chuyển tiền khi mua thực phẩm qua mạng đều vẫn còn lưu giao dịch. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân cần cung cấp thông tin chủ tài khoản lừa đảo cho cơ quan chức năng để điều tra vụ việc.

Về chế tài xử lý, Điều 174 BLHS 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh… thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Đối chiếu quy định trên, hành vi chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc mua hàng từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự. Do đó, nạn nhân dù bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền không lớn nhưng vẫn nên trình báo cơ quan chức năng để có cơ sở để xử lý đối tượng lừa đảo – Luật sư Thu đưa ra lời khuyên.