Lừa bán đất làm lối đi, ra tòa lại đổ vấy cho bị hại ép buộc

ANTD.VN - Làm cán bộ thôn, Phương được ủy quyền đứng ra san lấp một khu đất giãn dân. Lợi dụng việc đó, đối tượng đã bán 1 mét đất mặt đường chạy dài của người khác cho một hộ dân ở phía trong khu đất để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Lắt léo mét đất mặt đường…

Theo đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của bị cáo, ngày 26-8, TAND TP Hà Nội đã đưa Lê Văn Phương (SN 1969, trú ở thôn Phù Mã, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là bà Nguyễn Thị Kiểm (SN 1968), trú cùng xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.

Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn cùng các tài liệu liên quan cho thấy, năm 2004, Lê Văn Phương được một số hộ dân ủy quyền đứng ra san lấp và sắp xếp vị trí khu đất giãn dân ven đường quốc lộ 3 ở địa phương.

Bị cáo Lê Văn Phương tại phiên tòa phúc thẩm bị tạm hoãn

Cùng thời điểm, đối tượng biết gia đình bà Nguyễn Thị Kiểm (ở phía trong khu đất) có nhu cầu mở rộng lối đi (giáp ranh khu đất) từ mặt đường quốc lộ vào nhà nên thỏa thuận sẽ bán cho người phụ nữ này 1 mét đất chạy dài, theo khu đất giãn dân (40m2) với giá 140 triệu đồng.

Mặt bằng khu đất giãn dân định hình, ngày 12-10-2008, Phương viết giấy bán đất với nội dung trên cho bà Kiểm và nhận trước 100 triệu đồng. Tiến hành xây dựng tường bao, gia đình bà Kiểm bị chủ sử dụng thực sự phần diện tích đất mà Phương bán lập tức lên tiếng. Từ đó, bà Kiểm và chủ nhân 1 mét đất đích thực xảy ra tranh chấp.

Vào cuộc giải quyết và nhận thấy, ông Nguyễn Sơn Oanh (người địa phương) đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận QSDĐ từ ngày 29-1-2008, trong đó bao gồm cả phần đất Phương bán cho bà Kiểm nên chính quyền địa phương buộc phải cưỡng chế để bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật.

Dù vậy, ở thời điểm phát sinh tranh chấp, ông Oanh đã chuyển nhượng thửa đất giãn dân tại mặt đường quốc lộ 3 cho người khác. Tranh chấp 1 mét đất chạy dài này, năm 2010, bà Kiểm cùng hàng chục đối tượng liên quan đã phải thụ án tù về tội “Hủy hoại tài sản” do tự ý đập phá bức tường bao mà chủ nhân đích thực của thửa đất xây dựng.

Cũng theo tài liệu của vụ án, sở dĩ Phương cả gan bán đất theo kiểu “bán vịt trời” cho bị hại là vì trước đó, đối tượng từng thỏa thuận với những người liên quan về việc hoán đổi vị trí 1 mét đất nêu trên, theo hướng "đẩy" nó ra vị trí tiếp giáp với lối đi của gia đình bà Kiểm.

Vậy nhưng thực tế là việc hoán đổi này không thành và càng không được chính quyền địa phương cũng như pháp luật thừa nhận. Bởi theo hồ sơ đất đai, Phương không hề có tí diện tích nào ở khu đất giãn dân tại thời điểm Nhà nước cấp đất ở cho hàng chục hộ dân.

Và sự táo tợn của bị cáo còn không ngừng gia tăng, bởi sau khi bán 40m2 đất “ảo” cho bà Kiểm, Phương tiếp tục lập giấy bán thêm lần nữa cho chính anh trai người phụ nữ này. Tuy nhiên, do kịp thời phát hiện nên anh trai bà Kiểm ngừng giao dịch.             

Bị cáo chối tội, tòa bác bỏ  

Với hành vi gây ra và sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 26-11-2015, TAND huyện Sóc Sơn đưa Lê Văn Phương ra xét xử, đồng thời tuyên phạt bị cáo này 2 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 2, Điều 139-BLHS.

Tại giai đoạn đầu điều tra, Phương thừa nhận việc bán 1 mét đất mặt đường quốc lộ 3 chạy dài theo khu đất giãn dân cho bị hại mà không có căn cứ pháp luật. Ngoài ra, bị cáo còn tự nguyện bồi thường cho bà Kiểm 200 triệu đồng.  

Mặc dù vậy, quá trình giải quyết vụ án về sau, đặc biệt là tại phiên tòa sơ thẩm, cựu cán bộ thôn lại bất ngờ cho rằng mới chỉ mới viết giấy bán đất cho bị hại và chưa nhận tiền. Vì thế, hành vi của bị cáo không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lý do bởi ngay sau khi bán đất cho bà Kiểm thì chủ tài sản thực sự không đồng ý hoán đổi vị trí 1 mét đất vì người này vốn có mâu thuẫn với bà Kiểm. Do đó, bị cáo đã yêu cầu bị hại hủy bỏ tờ giấy mua bán đất giữa 2 người. Tại phiên tòa sơ thẩm, Phương còn đề nghị bà Kiểm phải trả lại 200 triệu đồng.

Giải thích về việc bị đưa ra truy tố, xét xử, đối tượng bị kết tội lừa đảo giải thích, năm 2010, đi tù về, bà Kiểm đến gặp, rồi bắt ép bị cáo phải viết 2 tờ giấy cam kết bán đất và hẹn trả tiền. Sau đó, bị hại dùng 2 giấy tờ này tố cáo tới cơ quan công an.

Tuy nhiên, lời khai đó của bị cáo không được chấp nhận vì không có căn cứ. Vì rằng ngoài 2 tờ giấy bà Kiểm nộp kèm đơn tố cáo thì tài liệu thể hiện rõ nhất việc bị cáo lừa bán đất cho bị hại đã được CQĐT trích sao từ hồ sơ gốc ở một vụ án liên quan.

Về phía bị hại, trước sau bà Kiểm đều khẳng định khi mua 1 mét đất chạy dài nêu trên, bà được Phương cho biết đó là tài sản hợp pháp của anh ta nhưng chưa có giấy tờ. Và do tin tưởng vị cán bộ thôn nên bà Kiểm mới bỏ tiền ra mua hòng nới rộng lối đi của gia đình.

Lập giấy mua bán đất xong, bị cáo đã nhận trước 100 triệu đồng. Số tiền còn lại, hai bên thống nhất khi nào cột điện di chuyển sẽ thanh toán nốt. Cũng theo trình bày của bị hại, bà Kiểm chỉ phát hiện ra việc gian dối của cựu cán bộ thôn khi chủ đất thực sự phản ứng ở thời điểm gia đình bà xây tường bao.

Không thể sử dụng 1 mét đất chạy dài làm lối đi, bà Kiểm nhiều lần yêu cầu Phương trả lại tiền và được bị cáo 2 lần viết giấy hẹn trả nợ vào năm 2013. Sau đó, do Phương tiếp tục bội tín nên bị hại mới tố cáo vụ việc ra pháp luật.

Ở phiên tòa phúc thẩm, nội tình vụ án lừa đảo 1 mét đất này vẫn cơ bản được thể hiện như tại phiên xử sơ thẩm. Thế nhưng sau 1 ngày mở tòa, nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên TAND TP Hà Nội bất ngờ tuyên bố tạm dừng phiên xử để tiếp tục nghiên cứu hồ sơ.