Lột trần "đường chín đoạn" phi lý

ANTĐ - Philippines đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị hủy vụ kiện bản đồ “đường chín đoạn” của Bắc Kinh ra Tòa án trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA). Như vậy là Manila quyết tìm kiếm giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không thông qua đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Lột trần "đường chín đoạn" phi lý ảnh 1

Đoàn đại diện của Philippines tham dự PCA

Ông H. Coloma, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, nhấn mạnh: Một khi đã đưa vụ việc ra PCA, Philippines nhất quyết theo đuổi đến cùng. Ông H. Coloma cho biết thêm Philippines dứt khoát tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật lệ cho các tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố của ông H. Coloma được đưa ra sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hối thúc Philippines “trở lại đúng đường hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn”.

Hôm 7-7, Tòa án trọng tài thường trực LHQ (PCA) có trụ sở tại La Hay của Hà Lan đã bắt đầu nghe đại diện của Philippines trình bày lập trường liên quan đến Thông báo và tuyên bố khởi kiện mà Manila đã trình lên PCA từ ngày 22-1-2013. Nguyên nhân dẫn đến vụ kiện bắt nguồn từ những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ tháng 3-2012. Vụ việc này chưa được giải quyết thì một vụ căng thẳng khác lại xảy ra giữa hai bên ở bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền, còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.

Sau những cuộc tiếp xúc trao đổi song phương không đem lại kết quả, Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc trước PCA, chính thức mở màn cho việc tìm cách giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường thông qua các cơ quan tài phán quốc tế. Philippines cho rằng việc Trung Quốc tự vạch “đường chín đoạn” đồng thời thực thi các yêu sách về biển theo “đường chín đoạn” là trái với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và vô giá trị. Đồng thời, các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng chỉ đem lại cho nước này tối đa lãnh hải 12 hải lý chứ không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa.

Cách khởi kiện như vậy là bước đi được tính toán kỹ của Philippines. Nếu Philippines kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines khi xâm nhập khu vực Bãi Cỏ Rong và bãi cạn Scarborough trên Biển Đông thì chắc chắn các cơ quan tài phán theo UNCLOS sẽ không có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, nếu chỉ đề nghị PCA phán xét tính pháp lý của “đường chín đoạn” do Trung Quốc đơn phương tự vạch ra, cũng như yêu cầu giải thích Điều 121 của UNCLOS đối với các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, Philippines nhiều khả năng sẽ đạt được mục đích của mình.

Nếu PCA tuyên rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý thì điều này có nghĩa là Philippines không cần phải xác định chủ quyền của mình đối với những khu vực biển đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines vì chúng mặc nhiên thuộc lãnh thổ của Philippines. Nếu phán quyết của Tòa trọng tài tuyên các vị trí Trung Quốc đang chiếm đóng không phải là “đảo” thì kết quả cũng sẽ tương tự, vì tối đa vùng nước của đá chỉ là 12 hải lý bao xung quanh, không xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Trung Quốc hiểu rõ bước đi khôn khéo của Philippines. Cho nên, tuy tuyên bố không tham gia vụ kiện của Philippines, nhưng Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ và đang nỗ lực vận động hành lang để đối phó bằng nhiều cách. Kêu gọi Philippines từ bỏ kiện vào quay lại đàm phán song phương, Trung Quốc muốn tránh việc phán quyết nào đó của PCA có lợi cho Manila sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nước này và những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.