Lợn rẻ hơn rau, và những bữa cỗ buồn ở vùng quê

ANTD.VN - Vấn đề giá lợn xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, báo chí đã đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Nhưng có về tận những vùng quê trông vào nghề nuôi lợn, mục sở thị những bữa cỗ… buồn, cỗ buộc phải ăn của các gia đình nông thôn, thì có lẽ người ta mới “ngấm” được nỗi khổ của người nông dân trong tình cảnh hiện nay.

Có mặt tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2017, tôi được chứng kiến một “phong trào” mà có lẽ chẳng ai muốn: Người người mổ lợn, nhà nhà mổ lợn.

Đây là nơi chỉ cách Hà Nội 80km, và rất thuận lợi cho việc đánh buôn sản vật về Thủ đô nên người nông dân ở đây tập trung chăn nuôi cả lợn, gà, bò… Song nói gì thì nói, con lợn vẫn là loại động vật truyền thống được nhiều nhà nông lựa chọn là một trong những “kênh đầu tư” trọng điểm của gia đình.

Vì giá lợn hơi ở thời điểm này xuống quá thấp (trung bình chỉ 15.000 đồng/kg) nên mọi người bảo nhau: “Đằng nào cũng phải ăn, phải mua thịt, chẳng thà thịt lợn nhà mình ra mà ăn dần”.

Lợn con một thời là "niềm hy vọng làm giàu", thì nay trở thành những... cục nợ

Khi con lợn được xả ra, gia chủ thường sẽ giữ lại cả nửa con để ăn, hoặc chia cho con cháu, và thực sự họ cũng chỉ bán được nửa con, vì… ai cũng thịt lợn, có nhà nào thiếu thịt đâu mà mua nhiều?

Vậy là cứ mỗi khi một con lợn bị ngả ra, lại có một bữa cỗ được gia chủ tổ chức để thết đãi người làm giúp, rồi mời bà con họ hàng xung quanh tới ăn. Nhưng buồn thay, đây lại chẳng phải là “cỗ chia vui”, hay có chăng, cũng chỉ là chia một niềm vui nho nhỏ: Vậy là từ nay, không phải nuôi con lợn ấy nữa rồi, thế là may, là bớt phải lo, là bớt lỗ…

Và mọi câu chuyện ở mâm cỗ ấy, dù có bắt nguồn từ đâu, cũng đều kéo lại về một chủ đề là “lợn rẻ quá, rẻ tới xót xa, rẻ tới ngán ngẩm”.

Nâng một ly mời tôi, ông chú lắc đầu than thở: “Giá lợn giờ bình quân chỉ là 15.000 đồng/kg, bán là hoàn toàn lỗ. Giờ nói chuyện bán lợn, là hỏi nhau lỗ ít hay lỗ nhiều. Lỗ tính vào tiền cám, chứ còn công sức, coi như không được gì cả”.

Rồi một bà bác khác lại xen vào: “Chỉ nhà nào nuôi ít, nuôi cám tự nấu thì còn đỡ…”

Nhưng đỡ ở đây là đỡ lỗ tiền cám, chứ cái công sức chặt chuối, xay chuối, kiếm củi về nấu nồi cám rồi bưng tận máng phục vụ con lợn, thì tính bao nhiêu mới lãi?

Về nhiều miền quê lúc này, chúng ta sẽ dễ dàng chứng kiến những bữa cỗ buồn với thịt ba chỉ luộc, lòng lợn, canh xương...

Xong mọi người lại hỏi nhau, cái nhà ấy, cái nhà ấy còn bao nhiêu con. Rồi thì còn nhiều, lại ồ lên “thôi chết dở rồi, bỏ thì thương, vương thì nhọc”. Hay miếng lòng non này giòn quá, thịt ba chỉ mềm và ngọt, thơm thịt quá, mà sao lại rẻ đến như thế được, rẻ đến phát hờn...

Cứ thế, những chén rượu được nâng lên đặt xuống như hòa với nỗi lòng của những người nông dân quanh năm vất vả, và giờ ngồi tính với nhau về chuyện thua chuyện lỗ. Và dường như, những chén rượu đế đó đang trở nên cay hơn, đắng hơn lệ thường trên từng khóe miệng vốn dày thêm nếp nhăn, và tiếng thở dài ngày càng thường trực.

Người ta thường chỉ ăn cỗ khi vui.

Nhưng khi bữa cỗ mở ra để “không còn phải nuôi lợn nữa”, thì đó quả là những bữa cỗ rất buồn.

Và trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, tôi đã dự rất nhiều bữa cỗ buồn như thế.

Tôi tự hỏi, đến bao giờ những người nông dân chân chất ấy mới được cười, được nói và được nâng chén rượu lên mà lòng thư thái, không chất chứa những nỗi buồn, nỗi lo như lúc này.

Khi ấy, hẳn sẽ là những bữa cỗ đúng nghĩa, những bữa cỗ vui…