Phục dựng điện Kính Thiên:

“Lời thách đố” đối với giới sử học, kiến trúc

ANTĐ - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long vừa trình UBND thành phố Hà Nội chương trình “Nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên của Cấm Thành và Hoàng thành Thăng Long”. Ý tưởng lớn mà chương trình hướng tới: Phục dựng Điện Kính Thiên.

Hình ảnh Điện Kính Thiên trước năm 1886

Đa phần các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử khi được hỏi ý kiến đều cho rằng, việc phục dựng Điện Kính Thiên là việc phải làm và đáng làm, song nó cũng như một lời thách đố đối với các nhà khoa học. Bởi lẽ, khi đụng vào việc phục dựng là phải đối mặt với khó khăn: tư liệu hạn chế, trong khi cần phải làm rõ quy mô, kiến trúc ngôi điện xưa thế nào, đặc biệt là công năng sử dụng của Điện Kính Thiên, vì nếu không khéo, điện sẽ biến thành một công trình tín ngưỡng, khác xa với những gì tồn tại trong lịch sử.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, phục dựng ngôi điện nổi tiếng này là nguyện vọng của nhiều người. Song, vấn đề phải được bàn thảo trên cơ sở khoa học chứ không phải là ý muốn cảm tính. Nền Điện Kính Thiên là một phần khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - đã được UNESCO công nhận Di sản thế giới. Vì thế, khi phục dựng phải tuyệt đối tuân theo những công ước, hiến chương quốc tế về bảo tồn di sản. 

UNESCO luôn giám sát mọi động thái của di sản. Chỉ cần một vài sai sót, UNESCO sẽ cương quyết tước danh hiệu như đã làm với một số di sản trên thế giới. Không thể làm theo ý tưởng sáng tạo mới, xây dựng công trình mới theo kiến trúc truyền thống để suy tôn truyền nhân. Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cảnh báo, cần tránh những công trình xây dựng vĩ đại rồi không biết sử dụng vào mục đích gì.

Nói về những khó khăn để hoàn trả không gian Điện Kính Thiên (sẽ được phục dựng sau này), PGS.TS Phan Khanh cho rằng, chính là việc phải dung hòa các công trình kiến trúc đang bao vây không gian như Nhà con Rồng - trụ sở Bộ Chỉ huy Pháo binh do người Pháp xây dựng ngay khi chiếm đóng Hà Nội. Ngôi nhà nằm giữa trung tâm nền điện, kéo dài 85m. PGS.TS Phan Khanh đưa ra ý tưởng, di chuyển Nhà Pháo binh (hay còn gọi là Nhà con Rồng) lùi ra phía sau vài chục mét. Nhà Cục Tác chiến, ngay sau Đoan Môn, chắn ngang trước nền Điện Kính Thiên cũng cần được dịch chuyển từ hướng nằm ngang, sang nằm dọc ra phía ngoài tường di tích giáp với đường Hoàng Diệu hoặc Nguyễn Tri Phương. Nếu làm được như vậy mới có thể hoàn trả trong chừng mực có thể không gian Điện Kính Thiên mà vẫn giữ nguyên được công trình kiến trúc Pháp. Còn như hiện nay, với sự hiện hữu của những ngôi nhà này, dù kiểu cách gì đi nữa cũng vẫn cho thấy không gian quân sự kiểu trại lính của Thực dân Pháp.

Cùng chung quan điểm di dời, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu phục dựng điện mà cứ để tòa Nhà Pháo binh tồn tại song song là hình ảnh rất phản cảm. Việc quyết định để những công trình kiến trúc Pháp này tồn tại nguyên vị, phá bỏ hay di chuyển đến vị trí khác cũng là một việc làm không phải cứ có “đồng thuận cao” là được, bởi lẽ, Nhà con Rồng là nơi Bộ Chỉ huy tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để giành độc lập tự do cho dân tộc. Với cả trăm năm tồn tại, chứng kiến các sự kiện, việc di chuyển hay bỏ Nhà con Rồng cũng không đơn giản.

Rồng đá Điện Kính Thiên

Theo như lời Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, thì nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên về phương diện văn hóa vật thể đã khó, về phương diện phi vật thể cũng không dễ. Điện Kính Thiên dù có  được phục dựng tốt nhất về phương diện vật chất cũng sẽ ít ý nghĩa nếu không giữ được giá trị phi vật thể vốn có trong lịch sử và phát huy trong hiện tại và tương lai. Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội đưa ra lời cảnh báo: “Không nghiên cứu khía cạnh này đồng thời với việc phục dựng về phương diện một công trình kiến trúc sẽ dẫn đến những lúng túng, thậm chí là sai lầm khi công trình hoàn tất về phương diện vật thể!” Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO tán đồng với việc phục dựng Điện Kính Thiên, nhưng có điều, Tòa nhà Pháo binh và Cục Tác chiến là 2 trong số những bộ phận cấu thành khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Công trình kiến trúc trên thể hiện tính liên tục của trung tâm quyền lực chính trị… Vì thế, cần cân nhắc mọi bề, nghiên cứu khoa học dựa trên văn bản quốc tế trong và ngoài nước đối với bảo tồn, trùng tu di tích.

Câu hỏi “Sẽ phục dựng Điện Kính Thiên như thế nào?” hiện chưa có nhà quản lý lẫn nhà khoa học nào trả lời ngay được, bởi suy cho cùng, mọi câu trả lời vào thời điểm này đều vội vàng, chưa đủ cơ sở. Câu trả lời chỉ có sau một thời gian nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng.