Lợi quay lưng, khó khóc mếu

ANTĐ - Tháng 5 vừa qua, trước tình trạng lượng đường tồn dư nhiều, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ đường. Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ “điều hành tiêu thụ, tạm trữ đường năm 2012”. 

Trong đó đề nghị đảm bảo đủ vốn cho một số công ty sản xuất đường vay tạm trữ 200.000 tấn với giá 16 triệu đồng/tấn (3.200 tỷ đồng) và Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong ba tháng, kể từ tháng 5-2012. Đây có thể coi Hiệp hội đang “ép” Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể chiều theo các DN. Nói như một chuyên gia thuộc Bộ Công Thương thì “Hiệp hội là đại diện cho lợi ích của các DN thuộc một ngành nghề nhất định. Bởi vậy, các DN kiến nghị điều gì là Hiệp hội sẽ làm theo như vậy mà không tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn”. Cũng chuyên gia này lập luận, cho DN vay nợ ưu đãi thu mua tạm trữ, vậy khi giá cao, DN bán ra giá cao thu về lời lớn, lúc ấy có chia lợi nhuận cho Nhà nước, hay người tiêu dùng đâu. 

Đành rằng, khi các DN khó khăn, Nhà nước sẽ có hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng không thể coi Nhà nước là cái kho tiền, khó là “khóc mếu” xin cứu viện. Xét cho cùng, lấy ví dụ về ngành đường, năm 2010, khi đường “sốt”, giá đường bán lẻ lên tới 24.000-26.000 đồng/kg mà không mua được, thì các nhà máy sản xuất găm hàng, không chịu xuất ra. Nhiều lần, liên Bộ NN&PTNT cùng Công Thương đã phải triệu tập lãnh đạo các nhà máy đường để yêu cầu xuất kho, chung vai chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ, nhưng DN nào cũng nại lý do, lượng tồn kho không nhiều, không có việc các DN bắt tay nhau làm giá… Thậm chí, vì sự không hợp tác của các DN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã phải gay gắt: “Nếu các DN không chịu hợp tác, mở kho, xả hàng đường để giảm giá xuống, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu đường giá rẻ”.

Khi thị trường “sốt” giá, thì các DN đâu có vì lợi ích của người tiêu dùng mà hợp tác với các bộ, ngành để hạ nhiệt thị trường, cứ khi khó mới kêu đến Nhà nước rót tiền. Không chỉ với đường, với hạt điều, với mắm muối, mà với nhiều ngành nghề, nhóm hàng, dịch vụ khác cũng vậy.