20 năm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ (11-9-2001/ 11-9-2021):

Lời nhắn gửi nghiệt ngã về cuộc chiến chống khủng bố không ngừng nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày 11-9-2001, ký ức khó quên cùng những hệ lụy khủng khiếp từ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ vẫn ám ảnh người dân Mỹ và thế giới.
Người dân Mỹ tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001

Người dân Mỹ tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001

Những dấu mốc khó quên

Trước vụ 11-9-2001, khủng bố không phải là điều bất ngờ với nước Mỹ. Tháng 2-1993, Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) tại New York đã bị đánh bom xe. Tháng 4-1995, 168 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong vụ đánh bom khủng bố tại thành phố Oklahoma. Tuy nhiên, quy mô và mức độ thiệt hại của vụ khủng bố 11-9-2001 lớn hơn nhiều.

19 tên khủng bố al-Qaeda đã cướp 4 máy bay thương mại để tấn công hàng loạt các địa điểm mang tính biểu tượng của nước Mỹ. 2 chiếc đâm vào Tòa tháp đôi của WTC khiến nó đổ sập trong vòng 102 phút. Chiếc thứ 3 đâm vào Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ). Chiếc thứ 4 được cho là nhằm vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ nhưng đã rơi ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm khống chế nhóm không tặc. Hậu quả là gần 3.000 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, thiệt hại kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, hệ lụy về mặt chính trị còn lớn hơn nhiều với những biến động trên bản đồ địa - chính trị thế giới. Vụ tấn công ngày 11-9-2001 đã khiến nước Mỹ tuyên bố bước vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đưa ra học thuyết “đòn phủ đầu”, nghĩa là cho phép nước này đơn phương tiến hành chiến tranh chống lại những nước được coi là thù địch, sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để giải quyết các mối đe dọa an ninh với Mỹ mà không cần đến sự cho phép của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Trong vòng 2 thập kỷ, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã kéo “xứ cờ hoa” dấn sâu vào các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và các cuộc đối đầu không ngừng nghỉ với những nước mà Mỹ liệt vào “trục ma quỷ” vì có âm mưu chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu như cuộc chiến tiêu diệt Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan có thể biện hộ, thì tấn công Iraq lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Năm 2004, Ủy ban 11-9 của Mỹ kết luận không có bằng chứng nào về mối quan hệ giữa chế độ Saddam Hussein và al-Qaeda và không tìm thấy kho dự trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt nào đang hoạt động ở Iraq. Việc Mỹ tin rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để phát động chiến tranh được chứng minh là do thông tin tình báo bị sai lệch.

Những cái được và mất của nước Mỹ từ sau sự kiện khủng bố 11-9 vẫn còn nhiều tranh cãi. Vào lúc Mỹ chuẩn bị tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11-9, Đại học Brown (Mỹ) công bố nghiên cứu mang tên Costs of war (Những phí tổn chiến tranh) và kết luận với 8.000 tỷ USD, cái giá của cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ quá lớn nhưng không mang lại thành công như mong đợi. Số tiền này vừa dùng cho chi phí trên các mặt trận chống khủng bố từ Trung Đông tới Nam Á, châu Phi, vừa để bảo đảm chăm sóc các cựu chiến binh trở về và tăng cường an ninh nội địa, cũng như trang trải lãi suất ngân hàng khi chính quyền liên bang phải đi vay.

Riêng về mặt quân sự, phí tổn cho cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Syria lên tới 2.100 tỷ USD trong 20 năm qua. Với châu Phi, con số này là 355 tỷ USD. Với Afghanistan, dù đổ vào 2.260 tỷ USD với 2.400 lính Mỹ thiệt mạng vào hơn 20.000 quân nhân bị thương, Mỹ vẫn phải chứng kiến bi kịch khi chính quyền Cabul sụp đổ và rơi vào tay phong trào Taliban. Ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) của Pháp, cho rằng Mỹ đã tốn kém rất nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, nhưng hiệu quả mong đợi không bao nhiêu, ngoại trừ thành tích tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011.

Cuộc chiến không ngừng nghỉ

20 năm sau sự kiện bi thảm 11-9, nguy cơ khủng bố vẫn đang là chủ đề thời sự nóng bỏng ở Mỹ và trên thế giới. Hầu như không có hội nghị quốc tế lớn nào, không có cuộc gặp cấp cao nào mà cặp từ “khủng bố và chống khủng bố” không được nhắc tới. Trong báo cáo gần đây, nhóm giám sát của Liên hợp quốc phụ trách theo dõi các mối đe dọa thánh chiến trên toàn cầu cho biết mạng lưới al Qaeda lẫn Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều đang cố thủ tại Afghanistan và hoạt động theo mô hình nhất quán. Đó là khai thác tình trạng hỗn loạn để tấn công những khu vực ít nhận được sự hỗ trợ quân sự của quốc tế, gia tăng mối đe dọa cho toàn cầu. Trong đó, Liên hợp quốc ghi nhận châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi tỷ lệ thương vong do chủ nghĩa khủng bố ở đây cao hơn bất kỳ nơi nào khác trong bối cảnh các nhóm phiến quân địa phương bắt tay với al-Qaeda và IS.

Trong bối cảnh IS dường như chuyển địa bàn hoạt động sang châu Phi, giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa của tổ chức này ở Iraq và Syria còn lâu mới được dập tắt. Bất chấp áp lực chống khủng bố liên tục, báo cáo của Liên hợp quốc cho biết IS hiện vẫn tìm cách tái kiểm soát Iraq và có khả năng hoạt động lâu dài ở sa mạc Syria. Việc Taliban tái nắm quyền cũng khiến các chuyên gia lo ngại Afghanistan một lần nữa trở thành thành trì cho khủng bố quốc tế.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 dường như đã làm trầm trọng thêm những xu hướng cực đoan của chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi cận Sahara, một khu vực đang dần trở thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu sau sự suy giảm đáng kể quyền lực và vùng lãnh thổ của IS ở Syria. Sự cấp bách của việc đương đầu với virus SARS-CoV-2 gây nguy hiểm chết người đã thúc giục các Chính phủ trên toàn thế giới chuyển nguồn lực sang đối phó với đại dịch toàn cầu. Nhưng theo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, các nhà lãnh đạo đừng quên những mối đe dọa khủng bố vẫn còn tiếp diễn.

Báo cáo của Ban Giám đốc điều hành Ủy ban chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cảnh báo việc Covid-19 đã buộc hơn 1 tỷ học sinh trên toàn cầu phải tham gia các lớp học trực tuyến vì những rủi ro liên quan đến dịch bệnh. Việc gia tăng số lượng thanh thiếu niên sử dụng internet mà không được giám sát, bao gồm cả các nền tảng trò chơi, tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố truyền bá tư tưởng cực đoan tới nhiều người hơn. Chính vì thế, chống khủng bố phải là cuộc chiến không ngừng nghỉ trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, với việc tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Là mối đe dọa mang tính toàn cầu, khủng bố chỉ có thể ngăn chặn bằng nỗ lực chung của cả thế giới. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, gắn liền với mục tiêu vì một thế giới hoà bình, bình đẳng và phát triển.

Cũng cần phải thấy rằng ngoài các biện pháp quân sự, cũng không được quên rằng nghèo đói, bất công, áp bức, xâm lược, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, văn hóa... là miếng đất thuận lợi để tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố nảy nở. Thế giới sẽ an toàn hơn khi không để xảy ra những nghịch lý, như người ta sẵn sàng đổ ra hàng nghìn tỷ USD cho các cuộc chiến mà ngoảnh mặt trước thực tế gần 10% dân số thế giới hiện vẫn sống trong nghèo khổ.