Lời nguyền "mất nghề thì tuyệt tự" (Kỳ cuối) : Muôn vẻ chuyện làng rối

ANTD.VN - Không đơn thuần chỉ là một làng quê biết các trò rối nước, Chàng Sơn (Thạch Thất - Hà Nội) còn danh bất hư truyền bởi nghề đẽo rối tài hoa. 

Luyện tập múa rối nước ở ao Chàng

Ai đã từng thưởng thức phường rối Chàng Sơn biểu diễn sẽ thấy ngay từ những phút đầu sự sôi động đã ào ạt khi những con rối theo nhịp điều khiển tài tình của các nghệ nhân cứ nhảy múa hoặc thoăn thoắt trên sóng nước mặt hồ.

Thế rồi, “cậu bé rối” trèo lên một cây cau cao vài thước bẻ một buồng tươi đưa xuống cho cụ bà. “Cụ bà rối” lại tỉ mẩn bổ cau têm trầu rồi trao lại cho cậu bé đem đi mời khách. Không khí càng lúc càng sôi động khi các quân rối từ thủy đình tiến đến gần khán giả. 

“Nếu chỉ kể thôi thì múa rối cũng mờ nhạt vô hồn. Nhưng thực sự mắt thấy và hòa vào không khí của phường rối thì mới thấy hết những tài tình, khéo léo của những rối gỗ mà hồn phách như người”, anh Nguyễn Văn Viên, phó phường rối nước Chàng Sơn cho biết.

Tích trò mở đầu cho rối nước Chàng Sơn này cũng là sáng tạo của anh Viên. Bởi trước kia, tích diễn “rối nước mời trầu” chỉ có cảnh cậu bé trèo lên cây cau rồi tụt xuống. Nhưng nay, sự cải tiến kỹ thuật cho “cậu bé rối” có thể trèo lên hái quả và bà cụ đỡ lấy buồng cau để têm trầu mời khách là một phá cách lạ.

Anh Viên hiện là truyền nhân đẽo rối của Chàng Sơn

Lưu giữ bí quyết xưa

Cũng theo anh Viên thì nét đặc trưng của phường rối nước Chàng Sơn là múa rối bằng dây thay vì múa bằng sào như các phường rối khác trong cả nước. Với kỹ thuật này, nghệ nhân có thể đưa quân rối đi xa hàng chục mét so với thủy đình. Nhưng để làm được thì phải chuẩn bị thật công phu, nhuần nhuyễn cả hai tay. 

Dẫn dắt phường rối Chàng Sơn bây giờ là nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Văn Dậu. Vừa có trong tay những bí quyết cổ xưa, lại am tường sử rối của làng nên ông Dậu tỏ ra thích thú hơn bất cứ chuyện gì khi ai hỏi về rối.

Tuy nhiên, chính ông Dậu cũng không rõ nghề rối ở đất quê mình xuất phát từ đâu và có từ khi nào. Ông chỉ biết đã vài trăm năm quân trò theo chân các cụ kị ông bà lên bờ xuống nước mà tính đến ông Dậu là đời thứ năm.

Từ đời cụ Trúc Nguyên là trùm phường rối Chàng Sơn, rồi truyền lại cho con trai là Nguyễn Hữ. Cụ Hữ truyền lại con là Nguyễn Luật, cháu là Nguyễn Tân, chắt là Nguyễn Văn Dậu. Một gia đình năm đời nối tiếp nhau giữ ngôi trùm phường là một điều rất hiếm ở các phường rối khác.

Ông Dậu bảo, phường rối Chàng Sơn có 24 trò múa: Giáo đầu, Bật cờ, Hai Bà Trưng đánh giặc, Trèo cau, Mời trầu, Cấy lúa, Thăm đồng, Chăn vịt, Câu cá, Úp nơm, Trâu cày bừa, Cốc mò cá… Trong đó nổi tiếng nhất là tích trò Hai Bà Trưng đánh giặc. 

Ông Dậu cho hay, từ khi tóc còn để chỏm thì ông đã theo gánh rối của bố (tức cụ Quản Tân) đi khắp làng trên xóm dưới, ngâm mình dưới nước sau bức mành thủy đình để học cách giật dây điều khiển quân trò. Những con rối vô tri vô giác, qua bàn tay của cụ Quản Tân bỗng trở nên lung linh sống động có hồn có vía như người thật. Tình yêu với rối ngấm dần vào cậu bé khiến cụ Quản Tân rất hài lòng vì đã có người kế nghiệp tổ tiên. 

Với 24 trò múa rối, Chàng Sơn đang giữ một kho tàng văn hóa quý báu

Truyền nhân đẽo rối

Ở Chàng Sơn, có một lời đồn mang tính truyền thuyết của dân gian từ xa xưa với lời nguyền: Ai mà để thất truyền nghề rối thì sẽ tuyệt tự. Chẳng biết có thật hay không, nhưng ông Dậu cũng tỏ ra lo lắng. 

Khác với các phường rối xung quanh, con rối Chàng Sơn phải do chính tay người thợ Chàng Sơn làm ra và không được mượn của ai, cũng không được mua từ nơi khác về. Vì thế, nghệ nhân rối không chỉ biết các tích trò mà còn là những thợ mộc có hoa tay.

“Rối nước của Chàng Sơn phải chọn được gỗ vàng tâm. Loại gỗ này vừa quánh dẻo vừa nhẹ, nhưng vì giá cao nên thường chỉ làm bằng gỗ sung. Gỗ sẽ được phơi khô vừa độ rồi mới đem ra làm”, ông Dậu bật mí.

Làm một con rối, chỉ tính riêng việc đẽo gọt thành hình đã mất chừng ba công thợ mộc, còn thời gian tính toán chia cắt các khớp nối tạo cử động, làm các lỗ để luồn dây sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhiều khi phải năm lần bảy lượt từ nhà ôm rối ra ao để thử chìm – nổi rồi lại đục đẽo cắt gọt lại. 

Nhiều người nghĩ, nghề mộc là một trong những nghề nhàn vì nắng không đến mặt, mưa không đến đầu. Điều ấy có thể đúng một phần, nhưng với thợ đẽo rối thì ngược lại. Có những buổi, chính ông Dậu và các phó mộc phải ngâm mình dưới nước lạnh vài tiếng đồng hồ vừa để thử rối, vừa để tập luyện.

“Đã theo nghề rối thì phải biết chấp nhận lênh đênh cùng sóng nước. Tiền tài, danh vọng là những thứ mà nếu theo nghề rối thì không thể có được. Những người trẻ theo nghề là điều rất quý, nhưng theo đến mức độ sống còn với nghề thì hiếm”

Ông Nguyễn Văn Dậu trùm phường rối nước Chàng Sơn

Nhưng ông Dậu cho biết, ông và cả 5 đời đã sống với rối, coi rối là linh hồn, là duyên nghiệp. Cho nên những khổ nhọc ông chịu được hết. Ông chỉ buồn khi mỗi buổi biểu diễn mà thiếu đi sự ồn ào, thiếu đi những tiếng vỗ tay của người xem.

Ở phường rối Chàng Sơn bây giờ, anh Nguyễn Văn Viên là một người quan trọng. Bởi lẽ, nghề đẽo rối không phải ai cũng theo được, mà theo đến mức sành nghề, coi nghề là duyên nghiệp, là sống còn lại là một điều khó.

Thế nhưng, với đam mê cộng một chút tài hoa của một anh phó mộc trẻ tuổi mà phường rối Chàng Sơn và dòng họ Nguyễn 5 đời ăn ở với rối kia không còn sợ nguy cơ thất truyền, mai một nữa.

Sinh năm 1982, ở lứa tuổi ngoài 30 bạn bè cùng lứa đã công thành danh toại, riêng anh Viên lại theo một con đường khác, con đường của cha ông, của văn hóa làng quê và của chính mảnh đất Chàng Sơn này.

“Nhiều bạn bè cứ thắc mắc sao không làm nghề gì khác mà lại theo nghề mộc đẽo rối. Thực tình không dễ trả lời, vì mình đam mê lại không thể để làng mất đi một thứ nghề cổ. Cho nên, dù sống dù chết thì cũng cố mà theo. Mình không phụ nghề dù nghề có phụ mình đi chăng nữa”, anh Viên chia sẻ.

Với đôi bàn tay thoăn thoắt những bào những đục, khối gỗ sung thô ráp kia chỉ vài ba hôm sau đã thành hình thành dạng. Những khớp chi chuyển động như người, và ánh mắt nụ cười trên con rối đã thần sắc hồn vía như thật.

Hiện anh Viên đang là phó phường rối Chàng Sơn, dù từng được trao danh hiệu nghệ nhân giỏi của Hà Nội nhưng điều anh lo lắng là làm sao phải sưu tầm lại được các tích trò cũ rồi biến hóa cải tiến theo lối hiện đại thì mới có người xem. Có vậy, nghề rối mới còn đất sống.