Lời kể của người cha mang tội giết con

ANTĐ - Tôi đã chiến đấu với số phận 6 năm trời để giành giật cuộc sống của con, thế mà cuối cùng chính tôi đã đánh mất nó. Tôi đã tìm mọi cách kiếm tiền chữa bệnh để con tôi được sống, thế mà cuối cùng, chính tôi đã giết chết con mình...

LTS: Giết chết đứa con mình dứt ruột đẻ ra trong một phút say rượu, phạm nhân Mai Xuân đã phải chịu một mức án nghiêm khắc cho tội ác mà mình đã gây ra. Luôn cố gắng cải tạo, tuân thủ nội quy để trở thành một phạm nhân tốt, nhưng người bố tội lỗi này chưa có một ngày thanh thản, bằng chứng là những nét buồn bã, u uất không thể che giấu được trên gương mặt gầy mòn. Với người tù mang tội giết con này, cái ngục tù khủng khiếp nhất có lẽ là những ký ức vừa đẹp đẽ vừa xa xót về đứa con ngây thơ, non dại mà mình đã vô tình giết hại.

Một người cha đã từng hạnh phúc

Khi tôi giết chết con mình, nó mới 6 tuổi, ngây thơ và mỏng manh như một thiên thần. Hình ảnh sinh động cuối cùng mà tôi nhìn thấy con trai mình là lúc nó quýnh quáng chạy theo anh trai vào nhà, gương mặt bừng đỏ, nhễ nhại mồ hôi sau một hồi nô đùa. Giờ nghĩ lại, tôi ước ao muốn níu kéo giây phút đó, ước ao có thể thay đổi sai lầm của cuộc đời mình bởi nếu không vì hành động nông nổi và bồng bột ấy, cuộc đời tôi chắc đã không bước sang một trang khác, đen tối và thê thảm như thế này. Con trai tôi đã chết, còn tôi vĩnh viễn trở thành một người bố tội đồ với tội danh giết con, cái tội danh sẽ đeo bám tôi cho đến tận hơi thở cuối cùng.

Khi vợ tôi mang thai đứa con thứ hai, tôi chỉ là một anh thợ xây dựng, ngày kiếm được vài chục nghìn bạc. Một mình nuôi cả gia đình với một đứa con nhỏ, một người vợ bụng mang dạ chửa giữa một thành phố đất đỏ như Sài Gòn, mỗi ngày trôi qua với tôi là muôn vàn cơ cực, muôn vàn mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi phải thuê trọ trong những khu tồi tàn nhất thành phố, nơi mà mỗi khi mùa mưa đến nếu không ngập úng thì cũng dột nát. Có những lần trong nhà không còn một 1 đồng nào, để bồi dưỡng cho người vợ đang kỳ thai nghén, tôi đã phải đi bán máu.

Những lúc cảm thấy sức chịu đựng của mình đã đến giới hạn tận cùng, chỉ cần bước về nhà, được nhìn nụ cười của vợ, được áp mặt vào bụng vợ nghe tiếng đập nhẹ nhang của đứa con còn chưa ra đời, tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh. Nó như liều thuốc tiên kì diệu, giúp tôi ngày mai lại tràn trề sinh lực, sẵn sàng chiên đấu với cuộc sống nhiều khó khăn và nghiệt ngã để bảo vệ gia đình nhỏ của mình. Tôi đã kiên cường suốt những năm tháng ấy, vì tôi luôn tự nhủ mình là con chim đầu đàn, mình có nhiệm vụ tha mồi về tổ cho cả gia đình, cho vợ và đứa con nhỏ bé còn trong trứng nước.

 

Sự cố gắng của tôi đã được bù đắp, khi sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, vợ tôi sinh hạ đứa con trai thứ hai. Đó là món quà mà Thượng đế dành cho chúng tôi sau những tháng ngày gian khó. Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười, vì khi con trai tôi được 6 tháng tuổi, bác sĩ đã báo cho vợ chồng tôi biết cháu bị viêm màng não. Cái tin đó khiến vợ chồng tôi gần như chết đứng, nhưng lại một lần nữa, tôi động viên vợ phải can đảm sống, can đảm làm việc để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Sau đó là những tháng ngày khó khăn, khốn đốn, những ngày tháng tôi làm việc như một con thiêu thân để kiếm đủ tiền chữa bệnh cho con bằng mọi cách.

Ròng rã mấy năm trời, tôi thường xuyên làm việc gấp đôi người khác. Bao nhiêu tiền kiếm được, tôi ki cóp lại từng đồng, rồi dành toàn bộ để nuôi con trong bệnh viện. Vợ tôi lúc nào cũng túc trực ở bệnh viện trông con, còn tôi sau những giờ làm việc vất vả cũng chạy đến thăm con bất cứ lúc nào có thể, có những thời điểm cả gia đình tôi gần như thường trú trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Tôi nhớ có những giai đoạn, một mũi tiêm cho con đúng bằng một ngày lương của tôi, mà một ngày con tôi phải tiêm đến 4 mũi, những đồng tiền tôi mang về chưa kịp khô mồ hôi đã được đưa vào bệnh viện để nộp tiền viện phí, tiền thuốc. Dù làm việc đêm ngày đến quên ăn quên ngủ để kiếm tiền chữa bệnh cho con, nhưng đã không ít lần tôi gần như tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình đã bất lực, đã không còn khả năng lo cho con, không ít lần tôi đã bật khóc. Vậy mà những khó khăn tưởng không vượt qua được đó cũng dần qua đi. Con trai tôi đã bước sang tuổi lên 6. Tuy nó vẫn đau yếu, vẫn thường xuyên nhập viện, vợ chồng tôi vẫn phải khó khăn, chạy đôn chạy đáo để kiếm cái ăn, nhưng chúng tôi đã chiến thắng được số phận khi đã gìn giữ được cuộc sống của con vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Gia đình tôi vẫn ở thuê trong những khu trọ dột nát, ngập úng, tôi vẫn đi làm thợ xây dựng, vợ tôi đi chạy hàng ngoài chợ. Bao nhiêu tiền kiếm được, chúng tôi cũng ki cóp lại chứ không dám ăn xài, phòng lúc con phát bệnh còn có cái mà chạy tiền thuốc men. Tôi vẫn bảo với vợ, tuy chúng tôi nghèo, nhưng chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Người vợ hiền đảm đang và hai đứa con trai bé nhỏ, xinh xắn là niềm tự hào lớn nhất của một người đàn ông như tôi, là động lực, là sức mạnh của tôi khi đứng trước khó khăn của cuộc sống.

Những bi ai của kẻ mang tội giết chết con mình

Nhưng rồi ngày thảm họa đó đã tới. Và tôi sẽ không bao giờ quên con đường khiến mình trở thành một người bố sát nhân mang tội giết con mình. Trưa hôm đó công việc nhàn rỗi, anh em trong nhóm xây dựng rủ nhau đi nhậu. Lai rai một hồi, đến tận chiều, tôi mới trở về nhà trong trạng thái ngà ngà say. Bố mẹ đi vắng, hai đứa con ở nhà mặc sức đùa nghịch. Chúng vầy nước ngoài bể rồi chạy ra ngoài vườn nghịch đất cát đến bê bết quần áo. Chỉ đến khi thấy tôi loạng choạng bước vào, chúng mới luýnh quýnh chạy về. Tôi còn nhớ khi đó gương mặt đứa con trai út của tôi bừng đỏ, nhễ nhại mồ hôi, ánh mắt vừa sợ hãi bị bố mắng, nhưng vẫn còn đọng lai những niềm vui của những trò nghịch ngợm.

 

Vì nó ốm yếu, nên tôi thương nó nhất nhà, nhưng cũng tuyệt đối nghiêm khắc, không cho con chạy nhảy lung tung để tránh tái phát bệnh trở lại. Mỗi lần cháu không nghe lời, tôi đều dùng roi đánh con vài cái cảnh cáo. Vì thế ngày hôm đó, con tôi cũng đang chờ đợi mấy cái roi như thường lệ. Nhưng tôi, trong lúc ngà ngà say đã làm một việc mà chính tôi cũng không hiểu nổi. Tôi dùng tay tát vào mặt con. Cái tát của sức vóc đàn ông là quá mạnh với một đứa trẻ 6 tuổi ốm yếu, gày còm. Bất ngờ bởi cái tát của bố, con tôi ngã đập đầu xuống đất, rồi lồm cồm bò dậy vừa thút thít khóc vừa lên giường nằm ngủ. Còn tôi đầu óc mụ mị vì say rượu cũng nên giường nằm ngủ, hoàn toàn không ý thức được việc làm tai hại của mình.

Đến tận chiều tối, vợ tôi về, thấy con trai út nằm im bất động, người lả đi mới hốt hoảng gọi tôi dậy. Hai vợ chồng tôi gọi xe đưa con đến viện cấp cứu với tâm trạng hoảng hốt chưa từng có. Không phải lần đầu tiên tôi đưa con đi viện, nhưng chưa lần nào tôi có cảm giác bất an như lần đó. Thằng bé mềm nhũn trong tay tôi, hoàn toàn không biết gì. Lúc này, khi trong người đã không còn một chút rượu nào, tôi mới bắt bàng hoàng nhớ lại những hành động của mình hồi chiều. Lúc ngồi trong bệnh viện chờ bác sĩ cấp cứu cho con, tôi đã nói với vợ: "Nếu hôm nay đúng là vì anh mà con chết, anh cũng sẽ tìm đến cái chết để chuộc lỗi với con". Vợ tôi chỉ khóc. Tôi đã đặt ra cho mình một nguyên tắc, đó là chỉ dùng roi đánh con. Đời tôi chỉ có duy nhất một lần này vi phạm nguyên tắc đó. Và con tôi đã chết. Khám nghiệm nói con tôi đã bị chết do va đập mạnh, dẫn đến tổn thương não.

Những ngày tháng trong trại giam, tôi như một con thú bị thương mỗi lần nhớ đến con, nhớ từng ánh mắt, nụ cười, từng cử chỉ hồn nhiên của nó. Tôi nhớ mỗi lần tôi đi làm về, nó đều mang khăn mặt đến, khẽ khàng nói: "Ba ơi ba lau mặt đi" rồi nó lại bảo: "Ba ngả lưng xuống đi, con đấm lưng cho ba hết mệt". Bàn tay của con tôi bé nhỏ và yêu ớt, những cái đấm của cháu chẳng có trọng lượng gì trên tấm lưng đàn ông của tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô vàn hạnh phúc, mọi mệt mỏi đều vì thế mà tiêu tan một cách nhanh chóng.

Con tôi là đứa trẻ ngoan. Nó còn bé, nhưng đã ý thức được bệnh tật của mình. Có lần thấy tôi về nhà, ngồi đếm từng đồng tiền lẻ, nó chạy lại ôm cổ tôi thủ thỉ, bảo: "Ba ơi, ba kiếm tiền chữa bệnh cho con phải không, con sẽ cố khỏe để không làm ba má cực nữa". Ở trong trại giam, chỉ cần nghĩ lại những ký ức đó là tôi ứa nước mắt. Tôi đã chiến đấu với số phận 6 năm trời để giành giật cuộc sống của con, thế mà cuối cùng chính tôi đã đánh mất nó. Tôi đã tìm mọi cách kiếm tiền chữa bệnh để con tôi được sống, thế mà cuối cùng, chính tôi đã giết chết con mình trong một lúc mất kiểm soát bản thân. Tôi cứ nghĩ lại điều đó mỗi ngày, càng nghĩ càng không thể tha thứ cho mình.

Sau khi con tôi mất, mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên vai vợ. Lên thăm tôi, cô ấy nói rằng cô ấy tha thứ cho tôi, động viên tôi sớm cải tạo để về cùng cô ấy gánh vác gia đình, nuôi đứa con trai còn lại. Nhưng tự trong thâm tâm, tôi biết mình chưa thể quên đi được những ký ức buồn đó, chưa thể quên đi tội lỗi mà mình đã gây ra. Tôi còn nhớ có lần khi con trai tôi nằm viện, tôi đi làm quần quật cả ngày rồi chạy thẳng đến viện, lên giường nằm ôm con ngủ. Vì mệt quá, tôi thiếp đi lúc nào không hay, đến tận sáng hôm sau vẫn không tỉnh dậy.

Khi vợ tôi gọi tôi dậy, cô ấy mới biết tôi đã sốt đến 41 độ C. Những người cùng phòng bệnh bảo cô ấy đưa tôi đi tiêm thì cô ấy bật khóc, nói là không còn một đồng tiền nào. Người cùng phòng thương quá, mỗi người góp một ít cho vợ tôi đưa tôi đi cấp cứu. Có lần gặp vợ trong trại giam, tôi đã bảo với vợ, giá ngày đó em để anh chết đi, thì có lẽ con chúng mình vẫn còn được sống. Những lúc đó, vợ tôi chỉ nhìn tôi với ánh mắt u buồn, bất lực. Tội lỗi là do tôi gây ra, nhưng tôi biết vì tôi, vợ tôi cũng phải chịu không ít giày vò, đau đớn.

Tôi đang ở trong trại giam để trả giá cho tội lỗi của mình. Nhưng sự day dứt và ám ảnh không vì thế mà nguôi đi. Bất cứ người đàn ông nào đã làm bố cũng sẽ hiểu nỗi đau của tôi, một kẻ mang tội giết chết con mình, họ sẽ hiểu nỗi đau ấy khủng khiếp thế nào. Tôi đã giết chết đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Đó là một sự bi ai. Ngay cả song sắt nhà tù cũng không thể giúp tôi quên đi bi ai đó.