Lợi ích khó song toàn

ANTD.VN - Trong nỗ lực nhằm tránh rơi vào xung đột lợi ích giữa việc làm Tổng thống với công việc kinh doanh, Tổng thống Mỹ đắc cử  D. Trump tuyên bố sẽ giải thể Trump Foundation - một quỹ từ thiện mang tên ông trước khi tuyên thệ nhậm chức.

Lợi ích khó song toàn ảnh 1Tòa tháp Trump ở Las Vegas  thuộc sở hữu của ông D. Trump

Là quỹ cá nhân do ông D. Trump lập ra hồi năm 1988, Trump Foundation hiện có tài sản trị giá hơn 1,1 triệu USD. Giải thích cho quyết định của mình, ông D. Trump nêu rõ: “Quỹ từ thiện đã làm rất nhiều việc hữu ích trong những năm qua khi đóng góp hàng triệu USD hỗ trợ các cựu chiến binh, các nhân viên bảo vệ pháp luật và trẻ em. Tuy nhiên, để tránh bất kỳ biểu hiện xung đột nào với vai trò của tôi trong tư cách Tổng thống, tôi đã quyết định tiếp tục theo đuổi mối quan tâm mạnh mẽ của mình đối với công việc từ thiện theo cách khác”.

Kể từ khi ông D. Trump ra tranh cử tổng thống, câu chuyện về nguy cơ xung đột lợi ích một khi ông trúng cử đã trở thành chủ đề nóng trên báo chí. Là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Trump Organization, một tập đoàn với các công ty khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, sân golf, sòng bạc..., ông D. Trump sở hữu hơn 500 công ty khắp toàn cầu, trong đó có hơn 250 công ty mang tên Trump.

Theo phân tích của Bloomberg, ông D. Trump hiện sở hữu các khách sạn tại Chicago, thành phố New York, Las Vegas, Waikiki và gần đây nhất là tại Thủ đô Washington, trên đại lộ Pennsylvania, ngay gần Nhà Trắng. Ông D. Trump cũng sở hữu các bất động sản ở Istanbul, Mumbai, Vancouver và Seoul và nhiều nơi khác trên thế giới. Tổng tài sản của ông D. Trump vào khoảng 3,6 tỷ USD và khoản nợ 630 triệu USD.

Điều gì sẽ xảy ra khi khối tài sản cá nhân khổng lồ này lại được điều hành bởi tổng thống? Trong quá khứ, một số tổng thống và phó tổng thống Mỹ cũng từng đau đầu với việc dàn xếp xung đột lợi ích. Phó Tổng thống Dick Cheney từng phải bán cổ phần của mình ở Công ty Halliburton Co. - nơi ông làm Chủ tịch và Tổng Giám đốc. Tổng thống J. Carter thì bán trang trại trồng đậu của gia đình ở Georgia. 

Ông D. Trump từng tuyên bố sẽ chuyển giao quyền điều hành kinh doanh tập đoàn của mình cho các con. Tuy nhiên, vấn đề trở nên khó giải quyết khi 3 người con của ông D. Trump là Donald Jr., Eric và Ivanka đều được đưa vào Ủy ban Điều hành chuyển tiếp tổng thống. Bàn về việc này, ông K. Gross, một luật sư tại Washington phân tích: “Nếu họ tham gia vào các vai trò trong Chính phủ và cũng đang điều hành kinh doanh, thì sẽ rất khó để tách bạch Chính phủ với các công việc kinh doanh và giải quyết vấn đề xung đột lợi ích”.

Có một cách mà hầu hết các chủ nhân Nhà Trắng trong vài thập niên qua thường thực hiện là tình nguyện đưa tài sản của họ vào một quỹ ủy thác để tránh bất kỳ rắc rối nào. Về cơ bản, một quỹ ủy thác là một quỹ mà các tài sản của người chủ được chuyển cho một bên quản lý tài chính độc lập không có liên hệ trước với chủ sở hữu. Người được ủy quyền hoàn toàn có quyền tự quyết đối với các tài sản. 

Nhưng cho đến nay, chưa thấy ông D. Trump đề cập đến khả năng giải quyết vướng mắc về tài sản theo hướng như vậy. Hôm 15-12 vừa rồi, việc cuộc họp báo theo dự kiến của ông D. Trump để thông báo về tương lai kinh doanh sắp tới đã bị hoãn với lý do ông đang quá bận rộn với việc hoàn thành nội các mới khiến dư luận càng thêm nghi ngờ. 

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nếu không bán hoàn toàn đế chế Trump thì việc tránh khả năng xung đột lợi ích là điều vô cùng khó với ông D. Trump. Không nói đâu xa, ngay Quỹ Trump Foundation cũng đang bị chỉ trích, trong đó có nhiều cáo buộc rằng ông D. Trump sử dụng tiền từ quỹ từ thiện này để giải quyết một số tranh chấp pháp lý. Hiện quỹ này đang là mục tiêu điều tra của Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York.

Ông D. Trump sở hữu 

* Hơn 500 công ty khắp toàn cầu

* Khoảng 3,6 tỷ USD