Lời hối hận muộn màng của người cha nghiêm khắc

ANTĐ - Tôi là bộ đội xuất ngũ đi làm giàu. Nghĩa là tôi bắt đầu sự nghiệp của mình từ những ngày gian khó nên tôi biết và quý trọng giá trị của đồng tiền.

Những năm tháng trong quân ngũ khiến tôi sống theo nguyên tắc và kỉ luật một cách máy móc. Cho đến khi lập gia đình, có con, tôi vẫn giữ nguyên cách sống và cách nghĩ ấy. Tôi luôn nghĩ, sống như vậy mới có thể thành người, vợ tôi sinh con trong những ngày khốn khó. Khi ấy, tôi vẫn đang lo lập nghiệp. Đó là những ngày tháng tưởng chừng như chúng tôi không thể vượt qua được. Vợ tôi sinh dày nên việc nuôi con rất vất vả. Đứa út vừa tròn một tháng tuổi, vợ đã dậy chạy chợ sớm hôm, chỉ đảo qua nhà lúc cho con bú.

Con bé lớn khi ấy mới lên 6 đã phải chăm em mới hơn tháng tuổi. Tôi đi biền biệt với các công trình xây dựng. Thằng út sinh kém tháng nên ốm yếu, quặt quẹo. Bà lang gần nhà nói, vợ chồng tôi phải chịu khó cho thằng út ăn thêm nhiều thức bổ dưỡng thì sức khỏe của nó mới có thể cải thiện nhưng gia đình tôi khi ấy, cơm ăn ba bữa còn chưa đủ thì nghĩ gì đến chuyện cho con được ăn ngon để có thể khỏe hơn. Để vợ tôi đỡ vất vả, tôi đồng ý để vợ và ba con về quê ngoại sống còn một mình tôi ở lại thành phố lập nghiệp. Hàng tháng, tôi gửi được chút tiền về cho vợ. Có tháng vợ lại phải gửi tiền ra cho tôi. Vợ tôi là người phụ nữ vô cùng chịu thương chịu khó. Không bao giờ cô than vãn với tôi một lời về cuộc sống. Tôi không biết những mệt mỏi vợ để ở đâu nhưng khi gặp tôi, bất cứ lúc nào, vợ cũng cười. Nụ cười của cô rạng rỡ, hong khô mọi nỗi niềm.

Tôi luôn tin vào luật nhân quả và tôi cũng tin rằng, có cố gắng nhất định có thành công. Khi con gái lớn 15 tuổi, tôi mua được nhà ở thành phố và đón vợ con lên ở cùng mình. 9 năm trời chúng tôi sống trong sự cách xa, cuối cùng cũng đến ngày gia đình tôi được đoàn tụ. Những khó khăn dần qua. Thành công đến sau rất lâu những chờ đợi. Tôi bắt đầu có tiền. Vợ thôi những ngày chạy chợ. Các con tôi cũng được sống một cuộc sống tốt hơn. Tôi luôn sợ tiền sẽ làm hư hỏng những đứa trẻ của mình nên nhất nhất, tôi bắt các con sống trong kỉ luật hệt như ngày tôi còn ở trong quân ngũ.

 

Đừng bao giờ để những đứa trẻ của bạn nghĩ rằng chúng có những ông bố, bà mẹ giàu có, chúng được sống mà không cần quan tâm đến chuyện tiền bạc. Bởi nếu chuyện đó xảy ra, bọn trẻ sẽ không biết giá trị của đồng tiền và chắc chắn chúng sẽ hư hỏng. Tôi luôn nghĩ mình là một người lính. Vì là một người lính nên tôi không cho phép các con mình hư hỏng. Thế nhưng, trái với những mong muốn và ước nguyện của tôi, con trai út phá hỏng tất cả. Đó thực sự là một đứa con nổi loạn. Hai con đầu của tôi rất ngoan ngoãn và giỏi giang. Chúng là niềm tự hào của tôi. Còn con trai út lại hoàn toàn ngược lại. Cháu không đi con đường tôi đã chọn, không đi du học như tôi mong muốn mà mơ ước để trở thành một họa sĩ. Tôi cực kì ghét nghề đó. Tôi không thích con mình thơ thẩn với những ý nghĩ mây trời.

Tôi sống thực tế nên tôi cũng muốn con trai của mình như vậy. Đó là đứa con tôi thương yêu hơn cả bởi ngày bé, cháu ốm yếu quá. Tôi áp đặt suy nghĩ của mình cho con trai nhưng không thành công. Khi thấy con nhất quyết đi theo con đường con đã chọn, tôi quyết định từ con. Mới đầu chỉ là dọa. Nhưng thằng bé đó lập tức dọn quần áo và ra khỏi nhà. Tôi là một người cha. Tôi cần giữ cái uy của mình. Tôi không giữ con lại. Tôi đã đuổi nó đi thì coi như tôi sẽ không có đứa con này. Vợ tôi khóc lóc và van xin tôi nghĩ lại. Tôi nói, nếu vợ còn như vậy thì ngay cả vợ tôi cũng không cần. Kể từ ngày ấy, tôi chỉ còn có hai đứa con. Tôi quyết tâm để mình không chú ý đến cuộc sống của đứa con út và cố gạt khỏi tâm trí mình những hình ảnh về đứa con tôi thương yêu. Mới đó mà đã hơn 20 năm trôi qua. Kể từ ngày từ con, không một lần, tôi tìm gặp lại nó và thằng bé cũng vậy.

Hai con lớn của tôi đều đã thành đạt. Tôi lo cho hai con đầy đủ về công việc và gia đình. Cứ như thể mọi tình thương đáng ra nên dành cho con út, tôi dồn cả vào hai đứa con còn lại và hi vọng những gì hai con đạt được sẽ phần nào xoa dịu trong tôi sự hối hận vì đã từ con trai út. Chẳng ai tính toán trước được cuộc đời của mình. Tôi đột ngột lâm bệnh và khó lòng qua khỏi. Những lúc ốm đau, những lúc gần đất xa trời là những lúc tôi mong được gặp lại đứa con mà tôi đã lỡ đuổi ra khỏi nhà mình nhất. Cháu vẫn luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng tôi.

Đến khi sắp chết, tôi càng mong được gặp lại con. Tôi nói với vợ điều này. Vợ tôi nhờ các mối thân quen, nhờ bạn bè, nhờ đến cả thám tử tư để tìm con trai về cho tôi. Hơn 20 năm không gặp con, con tôi trông khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng về cháu. Thằng bé gầy, đen nhưng rắn rỏi hơn và có vẻ như con tôi rất hạnh phúc. Con tôi nói đó là bởi con được sống với ước mơ của mình, được làm những điều mình muốn và hài lòng với điều đó. Bác sĩ nói tôi khó lòng qua khỏi. Cuộc sống của tôi chỉ có thể tính bằng ngày. Lúc ấy, tôi chỉ muốn có gia đình ở bên cạnh mình nhưng hai con lớn chỉ thi thoảng mới đảo qua thăm tôi như một nghĩa vụ.

Còn con trai út thì luôn ở bên tôi. Cháu lau rửa cho tôi, cho tôi ăn cháo, canh giờ cho tôi uống thuốc, đưa tôi đi tiểu tiện, dọn những dơ bẩn do tôi thải ra. Cháu chẳng hề ngại ngần chuyện gì. Hai con lớn dường như chẳng hề bận tâm đến chuyện bố chúng sắp rời khỏi cuộc đời này. Chúng còn bận rộn với cuộc sống riêng của mình. Con trai út chẳng hề oán trách tôi đã đuổi cháu ra khỏi nhà, đã coi cháu như thể cháu không phải con của tôi. Điều đó làm tôi hối hận vô cùng. 40 tuổi, con trai tôi chẳng hề có gì trong tay. Con tôi cứ đi mãi với giấc mơ của mình mà chẳng quan tâm đến tương lai và cuộc sống của mình. Còn anh chị của cháu thì đã có tất cả.

 

Kì lạ là khi con trai út trở về, tôi cảm thấy khỏe hơn. Bác sĩ nói, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng tình hình của tôi có thể xấu đi bất cứ lúc nào. Đến lúc ốm đau, tôi mới biết đứa con nào có hiếu với mình. Tôi thấy hối hận vô cùng với quyết định của mình. Tôi hết lòng chăm lo cho hai đứa lớn để lúc gần đất xa trời chỉ có con trai út, đứa con đã bị tôi vứt bỏ, một mình hết lòng chăm sóc. Tôi nói vợ làm thủ tục chuyển toàn bộ tài sản sang cho con trai út đứng tên. Tôi làm việc đó trong bí mật vì tôi biết, với cá tính của con út, cháu chắc chắn sẽ không chịu nhận

 Việc tôi chưa yên tâm nữa là con út đã 40 tuổi nhưng chưa có gia đình. Đàn ông có làm vương làm tướng gì, có ước mơ gì, có đi nhiều đến mấy thì vẫn cần cho mình một gia đình riêng. Tôi nhờ khắp nơi mai mối cho con trai bởi thời gian của tôi không còn nhiều. Tôi sẽ ra đi bất ngờ hay từ từ, chính tôi cũng không thể biết được. Thế nên, bằng mọi giá, tôi phải cưới vợ được cho thằng út trước khi tôi nhắm mắt. Đó là ước nguyện cuối cùng của cuộc đời tôi.

Con trai út nói, tôi không phải lo lắng về chuyện đó, con cũng không trách gì tôi chuyện ngày trước. Con nói vì tôi là người sinh ra con nên tôi có quyền làm mọi chuyện với con. Con không oán giận gì tôi. Những lời nói ấy càng khiến tôi cảm thấy hối hận. Tại sao tôi có thể bỏ mặc đứa con mình dứt ruột đẻ ra trong những 20 năm ròng mà không một lần hỏi thăm, một lần lo lắng? Tôi luôn tự hào mình là một người cha tốt nhưng hóa ra, tất cả chỉ là do tôi tự tưởng tượng. Tôi là một người cha thật tệ, mang một tương lai thật tệ đến cho con. Tôi mong tìm được một người vợ cho con trước khi nhắm mắt xuôi tay. Có như vậy, tôi mới có thể yên tâm nhưng liệu, nó có giống như tôi một lần nữa lại bắt ép con trai đi theo con đường mà tôi chọn và chẳng hề quan tâm xem, con tôi muốn gì?