Lời giải cho bài toán an toàn thực phẩm

ANTĐ - Với sự báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ bắt đầu được xã hội và ngành nông nghiệp quan tâm phát triển. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện mới chỉ chập chững những bước đi đầu tiên.
Lời giải cho bài toán an toàn thực phẩm ảnh 1

Trồng rau “6 không”

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiểu một cách đơn giản hơn đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa chất cũng như các loại phân hóa học. Trên cơ sở này, các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ đó là tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Người nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, và kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.

Quy trình sản xuất rau hữu cơ khá phức tạp và kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường như: phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gien, không chất bảo quản). Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây rau chỉ được bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ mục. Nếu có sâu bệnh, người trồng rau chỉ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây. 

Những năm gần đây, khái niệm thực phẩm nông nghiệp hữu cơ đã dần tìm được chỗ đứng và trở thành lựa chọn hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Nhu cầu rau hữu cơ ngày càng cao kéo theo các cửa hàng kinh doanh loại rau này cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà phân phối, kinh doanh rau hữu cơ cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, bởi tâm lý người tiêu dùng và thiếu cơ chế chính sách.

 Hiện nay nguồn cung của nông nghiệp hữu cơ thường không đủ cầu. Cùng với đó là quá trình quản lý còn chưa chuyên nghiệp, thiếu sự hợp tác từ phía người trồng, sự liên kết giữa các sản phẩm, doanh nghiệp với nhau. Vì thế, việc sản phẩm rau hữu cơ bị làm “nhái”, mạo danh vẫn xảy ra.

Khó thay đổi thói quen

Theo thống kê, hiện đã có 160 quốc gia trên thế giới có nền nông nghiệp hữu cơ. Ở Việt Nam, trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm bát nháo như hiện nay nền nông nghiệp hữu cơ cũng được kỳ vọng là xu hướng phát triển mới trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có một quy chuẩn nào quy định thế nào là rau hữu cơ.

Các cửa hàng mới chỉ dừng ở mức độ giới thiệu chung chung quy trình sản xuất hữu cơ, chụp vài bức ảnh minh họa nơi sản xuất, nuôi trồng mà chưa minh chứng giá cả hợp lý hay chưa, sản phẩm ấy chất lượng như thế nào… Với một thị trường rau hữu cơ mà cơ chế quản lý còn bị buông lỏng như vậy thì rủi ro khi mua rau hữu cơ đối với người tiêu dùng là rất cao.

Cho dù nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ vì lợi ích sức khỏe, nhưng đại bộ phận lại chưa được tiếp cận chính thức với thông tin về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hệ thống tiêu chuẩn ngành về nông nghiệp hữu cơ dù đã được ban hành nhưng chưa được quy định cụ thể và phù hợp. Do đó, đến nay chưa có cơ quan chứng nhận trong nước về sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Từ đó người tiêu dùng có thể sẽ nhầm lẫn giữa sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 

Khi khảo sát về tâm lý khách hàng thì nhiều người cho rằng: “Chỉ cần đảm bảo rau sạch là đã phần nào yên tâm để mua, chứ không mong sản phẩm được bày bán là phải 100% hữu cơ”. Chính tâm lý dễ dãi, chưa hiểu rõ về khái niệm hữu cơ đã phần nào “tạo điều kiện” cho đơn vị sản xuất và phân phối có thể trà trộn các sản phẩm khác nhau vào sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 

Trên thực tế, trong một vài năm đầu thực hiện nông nghiệp hữu cơ chưa đưa lại năng suất và lợi nhuận tối đa, người dân vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác vì lo sợ những rủi ro nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bởi vậy, Chính phủ rất cần ban hành một chuỗi hỗ trợ chính sách để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thêm một trở ngại nữa khi xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ chính là nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Do chưa hiểu được lợi ích của nông nghiệp hữu cơ nên nhiều ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kém năng suất.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận người sản xuất không đủ kiên định để bỏ thói quen đó và hướng tới nền nông nghiệp an toàn. 

Để hạn chế tình hình này và có thể phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ trong tương lai Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa về mặt truyền thông và kỹ thuật để tạo hiệu ứng lan rộng trong người dân, giúp họ thay đổi về tư duy, thói quen từ đó giúp người dân lựa chọn sản phẩm hữu cơ như một lựa chọn tất yếu vì sức khỏe cộng đồng và của bản thân mình, thay vì mua theo phong trào, hoặc hiệu ứng đám đông.