Lời cảnh báo với tương lai

ANTĐ - Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội đồng khóa 69, kêu gọi tất cả 193 quốc gia thành viên cùng hành động vì mục tiêu cao cả là lợi ích con người.

Lời cảnh báo với tương lai ảnh 1Nạn phá rừng đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của loài người

Trong bài diễn văn nhan đề “Con đường hướng tới cuộc sống phồn thịnh vào năm 2030: Loại trừ đói nghèo, nâng cao mọi mặt đời sống của tất cả mọi người và bảo vệ môi trường”, ông Ban Ki-moon cho rằng thế giới cần tăng cường mọi nỗ lực, cùng phối hợp chính sách và hành động để đẩy lùi đói nghèo, phấn đấu hết sức mình cho những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và hòa bình, an ninh trên Trái đất.

Nhờ nỗ lực chung của các chính phủ và các nhà tài trợ, cuộc chiến xóa đói giảm nghèo trên phạm vi toàn cầu đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. Số liệu thống kê cho thấy, số người thuộc diện nghèo cùng cực đã giảm một nửa xuống còn khoảng 1 tỷ người, tương đương 14,5% dân số thế giới trong giai đoạn 1990 - 2011. Đó là cơ sở để Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng có thể đạt được mục tiêu kép là đến năm 2030 xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và tăng thu nhập cho những người nghèo nhất thế giới.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn bức tranh đói nghèo của thế giới hiện nay vẫn còn nhiều gam màu xám. Theo cách tính diện nghèo dựa vào thu nhập, trên hành tinh hiện có 1,2 tỷ người sống với mức bằng hoặc dưới 1,25 USD/ngày. Nghèo đói cùng cực chính là thủ phạm dẫn tới các vụ bạo lực và phân biệt đối xử, những vi phạm về quyền con người, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em sống trong nghèo đói. Nó phá hủy cuộc sống và tinh thần của người dân và là thủ phạm cướp đi mạng sống của nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành hơn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào.

Về y tế, gần 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận với các thuốc chữa bệnh cơ bản, những loại thuốc đáp ứng những nhu cầu y tế tối thiểu của một người dân. Về nhà ở, do thảm cảnh nghèo khó, các khu nhà ổ chuột vẫn đang tiếp tục sinh sôi nảy nở trên toàn thế giới. Khoảng 1 tỷ người - 1/3 dân số đô thị trên thế giới - phải trú ẩn trong các ngôi nhà tạm, nhà hỏng, sống trong điều kiện bấp bênh. 

Trong khi đó, môi trường sống của con người đang đứng trước thách thức nghiêm trọng. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) đã lên tiếng cảnh báo về sự cạn kiệt tài nguyên của Trái đất do chính con người gây nên. Theo WWF, kể từ năm 1970 đến nay, 28% đa dạng sinh học của Trái đất đã biến mất. Số lượng và mật độ của 2.688 loài động vật ở các khu vực khác nhau trên thế giới, đa dạng sinh học ở các khu vực nhiệt đới đã giảm tới 61%  và ở các khu vực ôn đới giảm 31%.

Cũng theo WWF, nhân loại hiện đang sử dụng vượt quá 50% nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trái đất có thể cung cấp. Từ năm 2008, nhân loại đã cần tới 18,2 tỷ ha đất nhưng Trái đất chỉ có 12 tỷ ha đất có thể canh tác. Nếu thế giới không nhanh chóng thay đổi cách thức sử dụng tài nguyên thì vào năm 2030, ngay cả 2 Trái đất như hiện nay cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của con người.

Đó là những thách thức gay gắt với loài người, đặt ra cho các quốc gia thành viên LHQ những trách nhiệm vô cùng to lớn. Nhưng chúng ta không có con đường nào khác là phải hành động bởi đó chính là vì tương lai của chúng ta.