Lợi cả đôi bên

ANTĐ - Những khó khăn của khu vực doanh nghiệp trong năm 2013 đã kéo sang năm 2014, thể hiện ngay trong 2 tháng đầu năm với chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ nhích lên khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp vẫn lúng túng trong sự đình trệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khả năng co hẹp sản xuất hoặc phá sản vẫn rình rập, chi phí đầu vào tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lại giảm. Tuy vậy, nhìn tổng thể, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay vẫn có cơ sở để hy vọng tốt hơn năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất Bộ Công Thương, sức mua trong tháng 1 và đầu tháng 2 giảm do người dân thắt chặt chi tiêu hơn vì thưởng Tết trong các doanh nghiệp thấp hơn mọi năm, khiến lượng dự trữ hàng hóa tiêu dùng tồn kho tăng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chủ trương dừng sản xuất để tiết kiệm chi phí, vì vậy chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn ghi nhận, có những tín hiệu tích cực từ nhiều ngành sản xuất có chỉ số tồn kho giảm đáng kể.

Ngay từ tháng đầu năm, các vụ, tổng cục, sở công thương các tỉnh, thành phố đã bám sát tình hình thực tế, tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 01 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Các định hướng, giải pháp căn cơ đã được thực hiện một bước trong năm 2013, sang năm 2014 sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn, góp phần giải quyết nợ xấu, nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng bế tắc.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, rất cần sự “tiếp sức” của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Cần ban hành chính sách theo hướng tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tránh tình trạng chính sách can thiệp hành chính quá sâu vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Mặc dù năm 2013, hệ thống ngân hàng đã áp dụng  mức lãi suất cho doanh nghiệp vay 7-9%/năm, song số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này không nhiều.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố, năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tùy theo điều kiện, giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp 1-2% trong khi mặt bằng lãi suất huy động vẫn tiếp tục được giữ nguyên. Theo đánh giá của một số chuyên gia, để giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng phải “vui vẻ” chấp nhận lãi suất thực âm và doanh nghiệp, nhất là người dân vẫn có thể chấp nhận trong một khoảng thời gian nhất định do các kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, bất động sản không còn hấp dẫn. Có thể thả nổi lãi suất huy động để các ngân hàng thương mại cạnh tranh và người gửi tiền sẽ nhạy bén nắm được đâu là nơi an toàn cho khoản gửi tiết kiệm.

Nói tóm lại, hạ lãi suất cho vay là có lợi cho cả đôi bên, vừa giúp doanh nghiệp, vừa giúp cho ngân hàng, nhưng với điều kiện các ngân hàng thương mại cần được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo thanh khoản.