Thay đổi giờ làm, giờ học:

Loay hoay tìm đối tượng áp dụng thí điểm

ANTĐ - “Điều chỉnh giờ như thế nào thì cũng xuất phát từ thực tiễn, quyền lợi của nhân dân”- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Cảnh ùn tắc ở đường Láng- Hà Nội

Sáng nay (25/10), Sở GTVT Hà Nội đã có buổi làm việc, lấy ý kiến với các ban, ngành liên quan nghiên cứu dự thảo đề xuất thí điểm của Bộ GTVT về việc thay đổi giờ làm, giờ học.

Loay hoay tìm đối tượng áp dụng

Đại diện các ban ngành đều nhất trí với đề xuất thí điểm đổi giờ làm, giờ học của Bộ GTVT, nhưng chưa thống nhất được ở nhóm đối tượng làm thí điểm và độ lệch giờ.

Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đơn vị xây dựng dự thảo đề xuất đổi giờ cách nhau 1 tiếng, dựa trên 9 đối tượng điều chỉnh: cán bộ công chức cơ quan Trung ương, Hà Nội; học sinh mầm non, tiểu học, trung học; học sinh trung học phổ thông, sinh viên các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà trưng và các trung tâm kinh doanh, thương mại.

Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho rằng, đối tượng đổi giờ nên gộp lại chung giờ: công chức và mần non; học sinh trung học, sinh viên và nhân viên trung tâm kinh doanh. Đồng tình quan điểm này, ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược (Bộ GTVT) cũng đưa ra quan điểm cần điều tiết lại sinh viên một giờ cụ thể: ca sáng từ 7 giờ, ca chiều đến 17 giờ.

 

Cảnh tượng này không hiếm mỗi khi tan tầm ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) để có thể đưa ra quyết định chính xác, phù hợp, các chuyên gia nên khảo sát về số lượng học sinh hàng ngày phải tham gia giao thông trên các tuyến đường, bao nhiêu phần trăm học sinh học trái tuyến, bao nhiêu phần trăm học sinh học đúng tuyến, bao nhiêu em phải có cha mẹ đưa đón…?

Ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc Gia đưa ra đề xuất nên gom nhóm công chức Hà Nội và Trung ương làm một nhóm, đối với nhóm không tự đi được như học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nên bố trí chênh nhau 30 phút hay một tiếng.

Sẽ nghiên cứu thí điểm

Kết lại, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đổi giờ làm, giờ học là một trong 7 nhóm giải pháp của thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông. Dù điều chỉnh thế nào thì đều phải xuất phát từ quyền lợi của nhân dân; nếu được nhân dân ủng hộ là chính sách đúng và ngược lại; cho nên phải nghiên cứu cho hợp lý để khi áp dụng sẽ không gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

“Trước mắt sẽ thí điểm thay đổi giờ làm, giờ học của nhóm đối tượng sinh viên và trung tâm thương mại vì đây là những cá nhân tự lập trong chuyện đi lại nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ học giờ làm,” ông Hùng nói.

Dự thảo đề xuất thay đổi thời gian làm việc và học tập sẽ tiếp tục được các ban ngành cho ý kiến, tổng hợp, Sau khi hoàn thành xong sẽ trình lên UBND TP.Hà Nội trong ngày kia (27-10).