Loay hoay tìm cách “phá băng” bất động sản

ANTĐ - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam vừa kiến nghị hàng loạt giải pháp nóng nhằm hồi sức cấp cứu thị trường bất động sản, trong đó có việc đề nghị Nhà nước bỏ ra 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người dân mua nhà.

Doanh nghiệp bất động sản nên tự cứu mình chứ không nên chỉ trông chờ Nhà nước

(Ảnh minh họa)

Chưa có dấu hiệu phục hồi

Ngày 12-12, Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, các doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục đương đầu với những khó khăn chưa từng có. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn thừa nhận: “Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiếp tục suy giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng”. Cũng do tác động tiêu cực từ sự đóng băng của thị trường BĐS, cắt giảm đầu tư công, sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng đều giảm đáng kể. So với cùng kỳ năm 2011, hầu hết các nhà máy đều không phát huy hết công suất, tồn kho cao... Trên thực tế, tình hình còn bi đát hơn nhiều. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất vì sản phẩm làm ra không bán được.

Trong tình cảnh thị trường xuống dốc không phanh, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều đề xuất để vực dậy thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia, cơ quan có liên quan đã kiến nghị nhiều giải pháp để cùng “phá băng” BĐS. Ngày 11-12, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi tới Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước hàng loạt giải pháp được cho là rất mạnh để cứu BĐS. 

Cụ thể, VAFI đề xuất hỗ trợ cho người thu nhập thấp và trung bình được hưởng lãi suất ưu đãi đầu tư khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Đơn cử, người mua nhà trị giá dưới 2 tỷ đồng/căn được vay với lãi suất ưu đãi là 7%/năm cho 3 năm đầu, Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất khoảng từ 3-5%/năm. Tính toán của VAFI cho biết, sẽ cần khoảng 8.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 3 năm 

(2013, 2014, 2015 ). Với số tiền này, sẽ thu hút số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng tương ứng với khoảng 120.000 căn hộ chung cư!

Tự nêu câu hỏi “trong tình hình chi ngân sách căn cơ với nhiều mục tiêu ưu tiên thì liệu Nhà nước có phải thực chi ra 8.000 tỷ đồng”, đại diện VAFI khẳng định: Không! Bởi, nguồn vốn cấp bù lãi suất chỉ là nguồn vốn mới tạm ứng ban đầu. Khi chương trình kích cầu được thực hiện, sẽ giải phóng hàng tồn kho và năng lực sản xuất của ngành BĐS, vật liệu xây dựng, ngành dịch vụ tài chính... Khi đó, Nhà nước sẽ thu được nhiều khoản thuế gia tăng từ chương trình kích cầu này.

Rất khó khả thi

Nhận định “giá BĐS đã giảm từ 30 - 60%”, VAFI khuyên các địa phương nên tranh thủ xây dựng cho mình Quỹ nhà tái định cư giá rẻ và chất lượng cho giai đoạn 2013 -2020. Về mối lo khoản tài chính khổng lồ để triển khai xây dựng, VAFI mách luôn “địa chỉ” cấp vốn: “Sử dụng nguồn tài chính từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn  Nhà nước - SCIC, sẽ dễ dàng mua được 15.000 căn hộ.” VAFI đánh giá, đây là khoản đầu tư tốt đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho thị trường BĐS và các ngành vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, VAFI đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 1%/năm, sau đó là 0%/năm. Giải pháp này nhằm nâng cao vị thế đồng nội tệ, chống đô la hóa và hỗ trợ rất nhiều cho việc giảm nhanh mặt bằng lãi suất tiền gửi nội tệ. Cùng với đó, cần áp thuế giá trị gia tăng cho hoạt động mua vàng miếng và vàng trang sức ở mức 10% trên giá trị mua. Nếu áp dụng thành công 2 giải pháp trên, VAFI cho rằng, sẽ “kết thúc hoàn toàn quá trình vàng hóa, đô la hóa đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua”! Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dễ dàng đưa lãi suất huy động về mức 5%/năm vào thời điểm trước 30-6-2013. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng phá băng thị trường BĐS mà còn hỗ trợ cho tiến trình xử lý nhanh nợ xấu và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế... Cuối cùng, VAFI đề xuất nên đặt ra một quyết tâm chính trị ở tất cả các địa phương đối với việc giải cứu BĐS. 

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, xét cho cùng, kiến nghị của VAFI cũng là Nhà nước mở hầu bao để mua lại các sản phẩm của doanh nghiệp đang tồn đọng. Vậy, sẽ phải giám sát như thế nào để hạn chế tình trạng lạm dụng chính sách hay thông đồng gây hại cho ngân sách? Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có thể bán nhà cho Nhà nước với giá thành xây dựng, vậy tại sao không tiếp tục hạ giá và bán trực tiếp cho người dân? Các doanh nghiệp nên tự cứu mình chứ không thể trút gánh nặng lên đôi vai Nhà nước và tìm sự cứu rỗi qua “bầu sữa” ngân sách!