Tại huyện Thanh Trì, Hà Nội:

Loay hoay chống nạn đổ trộm rác, phế thải xây dựng trên đường Chu Văn An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Căng dây thép, lắp biển cấm, thậm chí tổ chức mật phục…nhưng các lực lượng chức năng xã Tân Triều và huyện Thanh Trì vẫn đang hết sức loay hoay về giải pháp căn cơ để chống nạn đổ trộm rác, phế thải xây dựng trên đường Chu Văn An.

Hình ảnh xấu trên trục đường đẹp

Đến thời điểm này, đường Chu Văn An có thể xem là một trong những trục giao thông đẹp trên địa bàn huyện Thanh Trì, chạy qua địa bàn hai xã Tân Triều và Thanh Liệt. Ngoài hệ thống cây xanh, trục đường này còn có vỉa hè rộng và mặt cắt rộng với 4 làn xe, dẫn vào nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước, trong đó có Bệnh viện K Tân Triều…

Hình ảnh xấu xí trên đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Tân Triều

Hình ảnh xấu xí trên đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Tân Triều

Tuy nhiên từ nhiều tháng nay, trục đường này, nhất là địa phận xã Tân Triều, đang bị biến thành…bãi rác lộ thiên. Những quả dừa khô, rác thải sinh hoạt, cao su, đồ nhựa, đất trạc. Tất cả tích tụ ở hầu như toàn bộ các bãi đất trống, và thường xuyên dồn ra cả hè. Nhiều thời điểm, người ta đã phải đốt vì lượng rác quá lớn.

Nói chuyện với PV ANTĐ, một nữ công nhân môi trường đô thị bức xúc: “Chị em chúng tôi làm không ngơi tay nhà báo ạ. Dọn hôm nay chưa kịp sạch, qua đêm, rác đã chình ình cả đống. Người ta phá cả dây thép gai, biển cấm để vào đổ rác. Lâu lắm rồi nhưng không khắc phục được”.

Cảnh nhếch nhác luôn tồn tại

Cảnh nhếch nhác luôn tồn tại

Nửa buổi sáng có mặt ở trục đường này, cảm giác ngao ngán, bức xúc thực sự không tránh khỏi. Bởi ý thức quá kém của những tổ chức, cá nhân “nỡ” đổ rác trên trục đường đẹp; bởi hiện tượng này diễn ra lâu nhưng chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng dường như vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để; và bởi, quá tốn công, tốn sức của công nhân vệ sinh môi trường, họ đã và đang phải làm một công việc mà cứ như những gì diễn ra lâu nay, sẽ chẳng có hồi kết.

Biển cấm hầu như không có tác dụng

Biển cấm hầu như không có tác dụng

Thực trạng cám cảnh là trục đường Chu Văn An đã và đang ngày rơi vào cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Đáng suy nghĩ là việc tìm lời đáp cho câu hỏi: “Trách nhiệm thuộc về ai?”.

Thiếu sự quyết liệt

Trao đổi với PV ANTĐ về tình trạng đổ trộm rác, ô nhiễm môi trường trên đường Chu Văn An, ông Phạm Bình Phúc – Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì cho biết, trục đường trên hiện vẫn chưa được Thành phố bàn giao cho huyện quản lý. Ở góc độ vệ sinh môi trường, thời gian qua, huyện đã hợp đồng với một công ty chuyên lĩnh vực này, để tiến hành thu gom, dọn rác. Nhưng, đúng như ông Phúc nhìn nhận: “Tình trạng đổ trộm, thậm chí đổ công khai nhiều loại rác vẫn diễn ra phức tạp”.

Lực lượng chức năng khảo sát các vị trí tập kết rác trên đường Chu Văn An

Lực lượng chức năng khảo sát các vị trí tập kết rác trên đường Chu Văn An

Với chức năng, trách nhiệm quản lý Nhà nước, ông Phúc cho biết, huyện thường xuyên đôn đốc phía công ty vệ sinh môi trường dọn dẹp vệ sinh môi trường, mỗi khi rác phát sinh ở nhiều điểm. Thời gian gần đây, huyện yêu cầu mỗi tuần 1 lần, phía công ty môi trường sẽ “cao điểm” thu gom, vận chuyển rác. Động thái này là cần thiết, nhưng rõ ràng, mới chỉ phần ngọn của vấn đề!

Vì sao vậy? Bởi lâu nay, theo tìm hiểu của PV ANTĐ, công ty môi trường đô thị nhận hợp đồng ở đường Chu Văn An, công việc chính là quét dọn vệ sinh bụi bặm, và cùng lắm là gom rác thải sinh hoạt ở một số vị trí được cấp tạm. Nhưng, công việc chính này đã và đang trở thành “phụ”; còn việc chính là “đối phó” với các loại rác thải chình ình hàng ngày.

Người ta đốt để giảm "quy mô" các bãi rác tự phát

Người ta đốt để giảm "quy mô" các bãi rác tự phát

Gọm dọn chỗ này chưa kịp vơi, rác đã xuất hiện chỗ khác. Lúc đầu là các bãi đất trống, sau người ta đổ ngay trên hè. Một giải pháp cũng có thể coi là “phần ngọn” được triển khai, là căng dây thép, cắm biển cấm. Và chỉ vài bữa, “ai đó” đã cắt cả dây thép, tháo biển để lấy chỗ đổ trộm rác

Ngày cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi tiếp tục quay lại đường Chu Văn An để ghi nhận thực trạng rác thải. Phương án đưa ra vẫn là tập trung dọn rác; và đề nghị phía Công ty môi trường đô thị không được tự ý trong việc chọn các điểm tập kết rác từ nơi khác về đường Chu Văn An.

Nghĩa là, vẫn chưa bật được giải pháp mạnh có thể tạm coi là để tạo sự răn đe, phòng ngừa. Ở đây, giải pháp đang rất thiếu sự quyết liệt, thường xuyên, là tuần tra kiểm soát, mật phục để bắt quả tang hành vi, đối tượng đổ trộm rác. Một cán bộ xã Tân Triều cho rằng, rác ở khu vực này chủ yếu do người dân mang ra đổ. Nhưng theo quan sát thì hoàn toàn không phải vậy, chưa kể, khu vực này khá xa khu dân cư.

Hỏi số liệu xử lý các trường hợp đổ trộm rác trên đường Chu Văn An từ đầu năm 2022 đến nay, đại diện xã Tân Triều cho biết chưa bắt quả tang được trường hợp vi phạm lớn! Và lý giải, “quân” đổ trộm rất tinh vi; phương tiện hoạt động chủ yếu về đêm, chỉ vài phút là đổ xong cả xe ben, nên lực lượng chức năng khó xử lý. Thêm một lý giải cho sự khó được “phía” Thanh Trì đưa ra, là do giáp ranh địa giới với phường Đại Kim (quận Hoàng Mai)…

Ngẫm thấy, khi gặp vấn đề đề được coi là “khó”, người ta thường hoặc sẽ tập trung giải quyết bằng được, hoặc làm chiếu lệ theo kiểu cho xong, thậm chí …mặc kệ.

Tình trạng đổ rác thải trên đường Chu Văn An, với thực trạng diễn ra lâu nay, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở chọn phương án nào để giải quyết sự “khó”, chúng tôi nghĩ, bạn đọc đã có câu trả lời.