Loay hoay cắt phần ngọn

ANTĐ - Mới chớm hè, thời tiết đã nắng nóng bất thường, “hứa hẹn” một mùa hè khốc liệt kèm theo đó là dịch bệnh đe doạ sức khỏe của người dân cùng với các loại bệnh dịch trên gia súc, gia cầm. Không chỉ đến hè, hầu như cả bốn mùa nạn quá tải bệnh viện, tình trạng nhiêu khê thủ tục khám chữa bệnh, kết dư quỹ bảo hiểm y tế, chuyển viện vượt tuyến, giá thuốc chữa bệnh… luôn là chuyện thời sự gây bức xúc trong dư luận xã hội và cả trên diễn đàn Quốc hội.

Trong phiên giải trình trước Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, người dân đều cảm thấy “xúc động” trước những chia sẻ sâu sắc của bà Bộ trưởng Bộ Y tế. Bà kể lại, đi thăm bệnh viện rất khổ tâm, vào ban ngày còn đỡ, chứ buổi tối thì như… trại tị nạn. 60% bệnh nhân không cần thiết phải đi khám bệnh ở tuyến trên đã dẫn đến quá tải. Ở các nước, bệnh nhân vượt tuyến phải đồng chi trả 60-70% chi phí, ở ta mệnh giá thẻ bảo hiểm thấp, viện phí tuyến trên không cao hơn tuyến dưới là bao nhiêu. Nhưng quan trọng là người bệnh không có niềm tin với y tế tuyến dưới.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Bộ trưởng bức xúc về thảm cảnh chen chúc, ba bốn người bệnh nằm ghép một giường, thậm chí nằm dưới đất gậm giường, ngoài hành lang. Cũng không phải lần đầu tiên bà “tư lệnh” y tế đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu sự quá tải của các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM. Song lần này bà tỏ ra hết sức quyết tâm, sốt sắng và kỳ vọng với đề án “siết chuyển tuyến” bệnh viện mà theo bà “đã băn khoăn hai năm nay nhưng tháng 6 tới quyết phải cho ra”.  

Theo đề án này, bệnh viện tuyến trên, hạng đặc biệt, hạng 1 làm các dịch vụ y tế tuyến tỉnh, tinh thần thái độ phục vụ kém, thời gian chờ đợi của bệnh nhân kéo dài thì sẽ bị phạt, hạ bậc bệnh viện, bảo hiểm y tế không ký hợp đồng khám chữa bệnh. Theo báo cáo của ngành y tế, tình trạng vượt tuyến, gia tăng với tốc độ chóng mặt trong 3 năm qua, có năm tăng tới 300%. Năm 2010 chỉ có 3 triệu bệnh nhân vượt tuyến, năm 2011 tăng lên 9,5 triệu người và năm 2012 vọt lên tới 11 triệu người.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đằng sau hiện tượng này có nhiều chuyện cần lý giải. Khám chữa bệnh trái tuyến là thể hiện nhu cầu chính đáng của người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời phản ánh việc dân ít tin vào bệnh viện tuyến dưới và cả áp lực doanh thu của các bệnh viện tuyến trên. Trước đề án “siết chuyển tuyến” của Bộ Y tế, một số đại biểu Quốc hội không đồng tình bởi vì giảm tải bệnh viện không giống như giảm tải chuyến xe khách. Tuyến trên muốn giảm tải thì bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tỉnh phải được chuyển giao công nghệ, bố trí bác sĩ giỏi, chất lượng tốt tạo niềm tin cho người bệnh. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế dùng nhiều chữ “sẽ” như sẽ ban hành quy định khám chữa bệnh, làm sao các giấy tờ phải giảm đi, trước phải cần 6 chữ ký, tới đây sẽ giảm xuống còn 4. Các biểu mẫu phải giảm hơn nữa, không để người bệnh phải photo quá nhiều giấy tờ và tháng 6 tới sẽ ban hành quy định về chữa bệnh trái tuyến. 

Đến nay vẫn còn tới 50% người lao động chưa có bảo hiểm y tế, tức là họ phải bỏ tiền túi khi khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp, đề án cùng với mục tiêu giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, “gốc rễ” quá tải bệnh viện lại cắm rất sâu và chằng chịt không dễ gì nhổ bật nếu như chỉ loay hoay cắt… phần ngọn.