Loạt vấn đề "nóng" về đời sống hậu Covid-19 được công nhân Thủ đô phản ánh đến Chủ tịch Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại buổi gặp gỡ với công nhân sáng 26-5, hàng loạt những vấn đề nóng liên quan đến đời sống hậu Covid-19 như: lương chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu, thiếu nhà ở cho công nhân, nợ đọng bảo hiểm xã hội... đã được phản ánh, kiến nghị tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh. 
Toàn cảnh buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội và công nhân

Toàn cảnh buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội và công nhân

Thu nhập chưa đáp ứng sinh hoạt tối thiểu, còn thiếu nhà ở...

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số công nhân lao động đông (khoảng 326.000 doanh nghiệp, với trên 2,5 triệu lao động).

Do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, bên cạnh số ít các doanh nghiệp thực hiện được tương đối tốt hai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thì phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Đồng hành cùng khó khăn của doanh nghiệp, trong 2 năm 2020-2021 Chính phủ tạm dừng tăng lương tối thiểu vùng, đã phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động (NLĐ)

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành Thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh. Trong 4 tháng đầu năm 2022, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiền lương bình quân của người lao động tăng từ 7,37% -13,49% so với cùng kỳ năm 2021: Lao động làm việc trong Công ty TNHH MTV do NN nắm giữ 100% vốn Điều lệ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, tăng 13%, tương ứng tăng 800 nghìn đồng; Lao động làm việc trong Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước thu nhập bình quân là 6,7 triệu đồng (tăng 11,67%, tương ứng tăng 700 nghìn đồng);

Lao động làm việc trong khối doanh nghiệp dân doanh thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng (tăng 7,37% tương ứng là 450 nghìn đồng); Lao động làm việc trong khối doanh nghiệp FDI thu nhập bình quân 7,1 triệu đồng (tăng 13,49%, tương ứng 950 nghìn đồng). Tiền thưởng dịp Lễ, Tết của người lao động từ 200 nghìn đồng/người - 150 triệu đồng/người.

Để đạt được mức thu nhập như trên, người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí làm thêm quá giờ qui định. Tuy nhiên, với mức thu nhập của NLĐ hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do NLĐ phải chịu nhiều chi phí như: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao...; Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với NLĐ ở các khu công nghiệp và chế xuất.

Về nhà ở cho người lao động, Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 160.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 60%).

Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội....

Còn nhiều doanh nghiệp chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội

Để giải quyết việc làm, bằng nhiều biện pháp, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trong điều kiện bình thường mới. Nhờ đó, tính chung 4 tháng đầu năm nay, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 74,2 nghìn lao động (tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước), quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 15,5 nghìn người với kinh phí 430, 5 tỷ đồng;

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có sự chủ động tham gia tích cực, có hiệu quả của tổ chức Công đoàn, đa số CNLĐ đã nhận thức đúng đắn và chia sẻ với những khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp; yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn.

Đến nay, đã có 97, 24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 98,13% số công nhân lao động trở lại làm việc (Tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp và chế xuất, ngành Dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn).

Không chỉ các trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các giáo viên của hệ thống này cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải nghỉ việc không lương trong thời gian dài, một bộ phận giáo viên chuyển đổi công việc khác hoặc nghỉ việc, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên khi học sinh trở lại trường.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại dẫn đến tình trạng nợ đóng BHXH tăng cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động: tính đến hết tháng 4/2022, tỷ lệ nợ BHXH toàn thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động, trong đó: riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ...