Loạn quảng cáo thực phẩm chức năng

ANTĐ - Dù đã có nhiều giải pháp siết chặt quản lý song thị trường thực phẩm chức năng ở nước ta hiện vẫn lộn xộn như một ma trận với các quảng cáo quá công dụng sản phẩm, lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng và thuốc khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. 

Loạn quảng cáo thực phẩm chức năng ảnh 1
Thực phẩm chức năng được quảng cáo ở khắp các hiệu thuốc khiến người bệnh
dễ hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Ảnh: Phú Khánh


Một sản phẩm ngừa bách bệnh (?!)

Theo quảng cáo trên trang web này, sản phẩm thực phẩm chức năng Trà thải độc ruột   Nature Tea được quảng cáo có đến 15 công dụng cho cơ thể gồm: thải độc cơ thể, làm sạch ruột và hệ thống tiết niệu, loại bỏ mùi cơ thể khó chịu, tăng cường vận chuyển năng lượng, tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, loại trừ táo bón, làm giảm cholesterol, cải thiện nước tiểu, quản lý cân nặng, chống cảm giác mệt mỏi, làm giảm nguy cơ loét dạ dày, làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, kích thích hệ thống tiêu hóa, hỗ trợ hoàn thiện quá trình tiêu hóa, giảm sự tích tụ axit Uric, ngăn ngừa bệnh gút. Không những thế, việc được làm sạch hệ thống đường ruột còn giúp mỗi người kéo dài tuổi thanh xuân. Và để có được những công dụng này, đơn giản chỉ cần dùng từ 2 đến 3 gói trà thải độc ruột trước bữa ăn là yên tâm hoàn toàn.

Ở một trang bán hàng trực tuyến khác, bộ 3 sản phẩm thực phẩm chức năng Herbalife giảm cân được nhà phân phối giới thiệu có thể dùng như bữa ăn lý tưởng với 19 vitamin thiết yếu, khoáng chất, giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát cơn đói, tăng cường sức khỏe cho xương, da và tóc. Đáng chú ý, bộ hỗn hợp dinh dưỡng này được nhà phân phối hướng dẫn dùng ngày 2 lần để… thay thế 2 bữa ăn chính. Tiếp tục dạo trên một số trang bán hàng khác, có những sản phẩm thực phẩm chức năng còn được quảng cáo có tác dụng phòng ngừa gần 150 căn bệnh. Có một điểm chung là nhà phân phối các sản phẩm này đều không chứng minh được công dụng của sản phẩm đã được cơ quan chức năng ở Việt Nam thẩm định, chứng nhận.

 Quy định còn dễ dãi

TS Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương khẳng định, thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ, không có tác dụng điều trị bất cứ bệnh nào. Do vậy, nếu nhà sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng quảng cáo sản phẩm có tác dụng chữa trị bệnh là sai quy định. Còn theo TS Phan Quốc Kinh, Phó Chủ tịch Hội Hóa dược Việt Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam thì hiện nay trên thị trường có quá nhiều thuốc, thực phẩm chức năng được giới thiệu chữa bệnh viêm gan, giải độc gan, thải độc ruột… khiến người tiêu dùng không biết chọn thế nào cho đúng. Tuy nhiên, muốn chứng minh công dụng thật của sản phẩm thì cần phải dựa trên cơ sở khoa học.

Trên thực tế, hiện nay Bộ Y tế đã quy định các sản phẩm thực phẩm chức năng không được ghi nhãn hay chỉ định có thể điều trị bệnh nào mà bắt buộc phải có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Tuy vậy, khi quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc ghi nhãn trên bao bì, nhà sản xuất, phân phối thường dễ dàng “lách luật” bằng các cụm từ như “tăng cường sức khỏe”, “giảm nguy cơ” hay “ngăn ngừa bệnh”… PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, do chưa có tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng nên hiện nay việc cấp phép sản xuất sản phẩm này còn khá dễ dàng. Công thức và thành phần, chất lượng thực phẩm chức năng cũng hết sức tùy tiện. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm soát chất lượng, kiểm soát quảng cáo, kiểm soát giá thực phẩm chức năng của cơ quan chức năng chưa tốt, khiến người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép.

Hiện tại, Bộ Y tế đang soạn thảo dự thảo sửa đổi thông tư quản lý thực phẩm chức năng. Theo ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, Dự thảo này yêu cầu sản phẩm thực phẩm chức năng phải chỉ ra đặc thù, phù hợp với các tài liệu nghiên cứu. Chẳng hạn, sản phẩm có công dụng phòng ngừa bệnh tật, làm giảm các triệu chứng thì phải có tài liệu khoa học chứng minh hiệu quả. Sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất nếu công bố hỗ trợ điều trị bệnh thì phải chứng minh bằng thử nghiệm với Hội đồng khoa học do Bộ Y tế chỉ định. Những sản phẩm thực phẩm chức năng chứa thành phần không phù hợp hoặc chỉ tiêu chất lượng, an toàn không đúng với hồ sơ công bố sẽ bị thu hồi, thậm chí sẽ bị rút giấy phép…