Sinh viên ơi! Em ở đâu? (3)

Loạn hệ đào tạo

ANTĐ - Không thời kỳ nào các thí sinh muốn có một tấm bằng đại học lại dễ dàng như bây giờ. Khi muốn đi học chính quy chỉ cần có 8 điểm thi cho 3 môn, nghĩa là trung bình chỉ có 2,7 điểm một môn (dưới trung bình quá nhiều) là đủ để vào trường ngoài công lập.

Việc cần phải làm là làm đủ các thủ tục để mình được hưởng chế độ ưu tiên như phải chuyển hộ khẩu về vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn, xác nhận gia đình có công với cách mạng, điểm thương binh liệt sĩ... Theo chúng tôi biết thì để có kết quả đó không khó khăn lắm, chắc chắn dễ hơn có 5 điểm trên trường thi. Nhưng kể cả không đủ điểm cũng không sao cả. Em cứ cố gắng... một chút, em có thể dễ dàng kiếm được một cơ hội học tại chức ở một trường danh tiếng nào đó. Thanh thản tuyệt đối, mỗi năm đi học vài tháng, bốn năm sau vẫn có bằng đại học. Tất nhiên em phải có một cơ quan trời ơi đất hỡi nào đó chứng nhận em đã đi làm vài năm ở đó, mặc dù chưa chắc em đã biết cơ quan đó ở đâu.

Phần khác em phải kiếm đủ tiền để góp cho lớp mua điểm tập thể (nhiệm vụ đã được đưa lên...). Nếu ngại em cứ mua thẳng với thầy cũng được vì hầu hết là thầy thỉnh giảng. Người viết này xin lỗi đã dùng đại từ em để đại diện cho các sinh viên tại chức vì tại chức vốn là bệ phóng của rất nhiều cán bộ địa phương đôi khi đã qua tuổi U40. Vừa rồi tôi có về một tỉnh miền núi, một ông trưởng phòng cấp huyện vừa được đề bạt lên Phó giám đốc một sở, vốn là bạn cũ của tôi vỗ vai: “Tớ phải cảm ơn thằng H. Nhờ nó cho tớ cái bằng đại học tại chức nên tớ mới có đường phấn đấu”. Khổ cái thằng H ấy vốn cũng là bạn tôi là trưởng khoa một trường đại học địa phương. Ông phó sở này chỉ phải học đại khái, điểm đã có H lo cho cả, làm tốt nghiệp H cũng làm cho nốt. Nhưng mốt học tại chức đã cũ rồi.

Bây giờ mời bạn đi đến các lớp tại chức, hầu hết lại là các em học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, thi trượt một hai kỳ đại học. Còn các đại gia địa phương thì mốt bây giờ là học các trường quốc tế, chuyên đào tạo từ xa. Nhưng tạm cắt cái hệ đào tạo ấy để trở về với các trường trong nước với hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Vụ việc 550 sinh viên đào tạo theo địa chỉ sử dụng tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh năm qua bị Bộ GD-ĐT thổi còi xong rồi lại khoát tay cho đấu tiếp và làm dư luận thấy hay như xem một trận đá bóng của hai đội bóng lão luyện với một trọng tài mới vào nghề. 550 sinh viên vừa hôm trước vui vẻ được đỗ vào học đại học hôm sau đến nhận giấy báo về nhà là xong và khi dư luận lên tiếng là 550 em lại vỡ oà niềm vui cắp sách đến giảng đường danh tiếng bậc nhất đất nước. Theo dự luật hệ đào tạo đại học theo địa chỉ... chỉ là một cách lách qua cửa hẹp: Chỉ tiêu của Bộ cấp cho trường. Nhưng cửa hẹp này đã cho phép hàng ngàn sinh viên đi qua nó đem lại cho trường khoản thu “khủng” không kém.

Chưa hết, trong các hệ đào tạo ở nước ta hiện nay còn có nhiều hệ đào tạo hài hước hơn nhiều. Bà cô đằng vợ tôi có một hôm cuống cuồng mời tôi về để xem hộ bà một sự kỳ quái. Cô con gái rượu của bà bỏ nhà lên huyện thì thụt ở một trường dạy nghề cùng với một bạn trai cùng làng. Nó nói dối bà là đi học. Đại học gì mà học ở chỗ lem lem luốc luốc ấy. Bà không tin, bà sợ nó đi theo giai. Tôi về làng và chỉ hôm sau tôi đã khẳng định cho bà yên tâm: Em nó học đại học, hệ liên kết với một trường đại học ở cách xa tỉnh nhà có 1.000km. Có điều là việc liên kết này đang trình Bộ GD-ĐT xem xét, nếu Bộ ký roẹt là em nó có tương lai, còn nếu Bộ không ký thì em nó lại về làng với bà cô. Nhưng cái ông phụ trách thì tin tưởng lắm: Anh cứ cho cháu nó học đi, bằng tốt nghiệp thì bọn em lo, kiểu gì cũng có. Trời ơi là đại học.

Còn nữa, đứa em đã tốt nghiệp cao đẳng kế toán đang đi làm tử tế ở một công ty cổ phần, bỗng nhiên dạo này đổ đốn đi học, mà học đại học hẳn hoi. Thì ra trường cao đẳng cũ của cô ấy có chương trình học liên thông, có nghĩa là học thêm một tý nữa lấy bằng đại học. Cô ấy thanh minh: Các bạn em đã học cả, ai cũng có bằng đại học... Thôi để khỏi kém chị kém em, chồng em phải cố giúp em 2 năm. Tôi thì biết nó, có học gì đâu, cao đẳng kế toán mà hồi mới đi làm có người đến nộp tiền bảo cô viết phiếu cô còn quay lại hỏi tôi: Phiếu chi hay phiếu thu ạ? Cả phòng cười ồ. Sau xếp cô vào chỗ thu ngân thế là hợp lý, hợp sở trường. Lý ra cô cứ học môn đếm tiền, phân biệt tiền giả, tiền thật cho tốt cho nhanh thì tốt biết bao.

 Ngoài các hệ đào tạo trời ơi đất hỡi đó lại còn các hệ liên kết đào tạo với nước ngoài, hệ đào tạo từ xa, hệ cử tuyển... Tất cả các hệ đều đi đến việc trao cho các sinh viên tấm bằng tốt nghiệp chưa chắc xứng đáng với số lượng kiến thức trong đầu các sinh viên này.