"Loạn" giá vé gửi xe ngày Tết

ANTĐ - Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn Hà Nội lại ra sức “chặt chém” người dân. Tình trạng cố hữu này khiến không ít người bất bình nhưng do không có sự lựa chọn nên họ đành chấp nhận.

Các điểm trông giữ xe chật kín, dù giá tăng cao từ 5-10 lần so với ngày thường

Ra sức chặt chém

Ngay từ mùng 1 Tết, tại các điểm vui chơi, giải trí như khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu  -Quốc Tử Giám, phủ Tây Hồ... người dân đến tham quan, thưởng ngoạn, đi lễ đầu năm khá đông khiến các điểm trông giữ tự phát được dịp bung ra với mức phí trông giữ xe cao hơn từ 5-10 lần so với giá quy định. Tình trạng vé xe mỗi nơi một kiểu diễn ra phổ biến tại nhiều điểm vui chơi.

Chị Phạm Kiều Anh, ở phố Thái Hà, quận Đống Đa cho hay, hàng năm vào dịp năm mới chị lại cùng con trai đến phủ Tây Hồ đi lễ cầu bình an cho gia đình và người thân. Mặc dù giá gửi xe ở đây khá cao song do thiếu điểm trông giữ xe nên chị đành chấp nhận trả mức phí gấp nhiều lần so với quy định. “Khi một số người thắc mắc về mức phí, nhân viên trông giữ xe còn nói sẵng: “đắt thì đi chỗ khác mà gửi, ở đây chỉ thiếu chỗ chứ không thiếu người gửi” - chị Kiều Anh kể lại. 

Khảo sát tại một số điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố trong chiều mùng 5 Tết, chúng tôi nhận thấy phần lớn người trông giữ xe thản nhiên thu tiền của khách với mức giá 20.000đồng/lượt đối với xe máy. Mặc dù cảm thấy không thoải mái nhưng do đang là thời điểm du xuân, hầu hết các dịch vụ đều tăng giá nên người dân đành phải chấp nhận. Anh Dương Mạnh Hà, ở quận Long Biên phàn nàn, đây không phải lần đầu tiên người dân phải đối mặt với tình trạng phí trông giữ xe tăng vọt vào dịp Tết. Điều đáng nói, mặc dù tình trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý hữu hiệu. 

Quy định một đằng, thu một kiểu

Trên thực tế, thành phố Hà Nội đã có đầy đủ quy định về phí và lệ phí, thực hiện niêm yết giá công khai và đảm bảo công tác về phòng chống cháy nổ đối với các điểm trông giữ xe. Tuy nhiên, theo khảo sát tại nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy không có biển hiệu thông báo về thời gian, mức giá, vạch sơn kẻ chỉ phạm vi trông giữ đều không có hoặc không rõ ràng. Đặc biệt, nhiều điểm trông giữ xe còn sử dụng tờ tích kê ghi biển kiểm soát chỉ là một tờ giấy nhỏ viết tay khiến người gửi rất khó phân biệt do đơn vị nào quản lý.

Theo quyết định sửa đổi mức phí trông giữ xe đạp, xe máy của UBND TP Hà Nội, từ ngày 2-1, phí trông giữ xe máy ban ngày tăng từ 2.000 đồng lên 3.000/lượt, ban đêm tăng từ 3.000 lên 5.000 đồng/lượt và xe máy gửi theo tháng từ 45.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng. Mức thu phí xe đạp (kể cả xe đạp điện) bên ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại ban ngày tăng từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng/lượt, ban đêm từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/lượt, cả ngày và đêm là 4.000 đồng/lượt. Mặc dù quy định là vậy, song dễ dàng nhận thấy việc thu phí cao hơn mức quy định vẫn tồn tại một cách ngang nhiên. 

Theo một cán bộ của Sở GTVT Hà Nội, hiện quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Thủ đô chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ, gửi của các phương tiện giao thông, các điểm trông giữ xe phần lớn tận dụng lòng đường, vỉa hè với quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản, tác nghiệp mang tính thủ công. Do đó, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến văn minh đô thị. Ngoài ra, lượng phương tiện phân bố không đồng đều, tại khu vực trung tâm nội thành diện tích đỗ xe hạn hẹp nhưng lại tập trung đông phương tiện cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt các điểm trông giữ xe, dẫn đến tình trạng tăng giá vô tội vạ. Có lẽ, dự án xây dựng hầm trông giữ xe, đỗ xe ngầm, bãi trông xe cao tầng là giải pháp mang tính lâu dài để hạn chế tình trạng nâng giá trông giữ xe. Tuy nhiên, trong khi chờ những giải pháp mang tính đồng bộ thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực hơn để kiểm soát và xử lý triệt để tình trạng “chặt chém”, nâng phí trông giữ xe mỗi dịp xuân mới.