Loạn “gameshow” truyền hình

ANTĐ - Vì đem về nguồn thu khổng lồ nên lâu nay các chương trình gameshow vẫn được nhà Đài cưng chiều dành gần như toàn bộ sóng giờ “Vàng” lẫn giờ… cận “Vàng!

Ngày càng thiếu những chương trình có ý nghĩa giáo dục như “Đường lên đỉnh Olympia” 

Khán giả oải - đài truyền hình im lặng

Khó mà đếm xuể có bao nhiêu chương trình gameshow đang chiếm sóng của các đài truyền hình. Hễ chương trình nào le lói “hot” trên thế giới là lập tức được các đơn vị sản xuất ở Việt Nam đua nhau mua bản quyền thực hiện. Sau cú đột phá của chương trình “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam 2010” lôi kéo được sự quan tâm chưa từng thấy của đông đảo người xem, ngay lập tức sóng truyền hình “bùng nổ” các chương trình gameshow giải trí từ ca múa nhạc như “Bước nhảy hoàn vũ”,  “Cặp đôi hoàn hảo”, “Hợp ca tranh tài”, “Ngôi nhà âm nhạc”, “Giọng hát Việt”… đến thời trang như: “Vietnam’s Next Top Model”, “Ngôi sao thiết kế thời trang”... Ngoài việc được phát vào khung giờ có tỷ lệ người xem nhiều nhất trong ngày, không khó để nhận ra mẫu số chung của những chương trình này là câu kéo khán giả bằng sự tham gia của rất nhiều gương mặt nổi tiếng với trị giá tiền thưởng cao ngất ngưởng. 

Vì đem về nguồn thu khổng lồ nên lâu nay các chương trình này vẫn được các đài truyền hình cưng chiều ưu ái dành gần như toàn bộ sóng giờ “Vàng” lẫn giờ… cận “Vàng” đến độ khiến người xem bắt đầu thấy oải. Không ít trong số các gameshow này được xếp vào dạng tầm phào vô bổ và không có bản sắc riêng, đúng theo công thức “nhái” y chang nội dung chương trình nước ngoài mà không phải mất chút chất xám sáng tạo nào, chỉ dàn “sao” nội là “made in Việt Nam”. Trong khi các gameshow này vẫn đều đặn mang về cho các đài truyền hình những khoản thu không nhỏ từ việc bán sóng hay đổi quảng cáo thì chính người xem lại chua chát nhận ra mình chẳng được gì, thậm chí mất nhiều: mất thì giờ ngồi trước màn hình, mất công xem, thậm chí là mất cả tiền khi trót dại tham gia các chiêu trò nhắn tin bình chọn. 

Không chỉ đang “thả” các gameshow trôi nổi một cách dễ dãi trên sóng truyền hình mà nhà Đài dường như còn đang dung túng cho những giá trị phi văn hóa có cơ hội xâm lấn màn ảnh nhỏ. Bởi thế nên mới có luật bất thành văn rằng gameshow nào cũng có “scandal” đi kèm, chỉ là tần suất ít nhiều và mức độ ầm ĩ ra sao. Nhẹ thì là phát ngôn gây “sốc”, nặng hơn thì cãi cọ phía sau hậu trường, ì xèo chuyện sắp xếp mua bán giải thưởng, nặng nữa thì “nghi án” tình ái từ giám khảo đến thí sinh, từ khác giới đến đồng giới.

“Cơm ngày nào chẳng phải ăn”?

Phần lớn các chương trình gameshow “ăn” khách và “sống” khỏe hiện nay trên sóng VTV đều do các đơn vị bên ngoài thực hiện từ A đến Z rồi mua sóng của đài truyền hình dưới danh nghĩa đối tác sản xuất. Trong khi các chương trình “con đẻ” của đài truyền hình như: Chiếc nón kỳ diệu, Đấu trường 100, Ai là triệu phú, Trò chơi âm nhạc… vẫn sống nhưng không được như xưa. Điều này cũng làm nhiều người trăn trở, trong đó có GS Văn Như Cương. Vị Giáo sư đáng kính không khỏi băn khoăn về việc các trò chơi giải trí truyền hình đang làm tốn quá nhiều thời gian của sóng truyền hình lẫn khán giả, chưa kể từ nội dung, kịch bản, giám khảo, đến cả kết quả và giải thưởng cũng luôn có vấn đề. Trong khi các chương trình có ý nghĩa giáo dục như “Đường lên đỉnh Olympia” hay “Robocon” thì lại chưa được đầu tư nhiều về công sức và thời gian. Đó dường như cũng là câu trả lời cho việc giới trẻ hiện nay đang thiên về lối sống hào nhoáng bên ngoài, lý giải vì sao họ sẵn sang đội mưa đội gió, quên ăn quên ngủ để tranh nhau tiếp cận một anh chàng diễn viên, ca sĩ nổi tiếng nào đó mỗi khi đến Việt Nam.

Về điều này, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất các gameshow truyền hình đình đám trên VTV cho rằng đó chỉ là… cảm tính bởi không cứ VTV mà có cả trăm Đài truyền hình đang hoạt động 24/24h, nếu không có những gameshow thì các đài truyền hình lấy gì… lấp “sóng” cho đủ. Đại diện đơn vị này cho rằng các chương trình gameshow cũng bình thường như chuyện cơm ngày nào mà chẳng phải ăn, nếu than phiền thì hãy thử tìm ra món khác đi được mọi người chấp nhận. Trước ý kiến cho rằng cần phải đặt barie hạn chế các chương trình gameshow, đại diện Cát Tiên Sa cũng thẳng thắn bày tỏ chưa có luật nào như vậy cả, và rằng nếu nhà sản xuất các chương trình này thấy lỗ thì sẽ tự động rút  lui chứ chẳng cần phải chờ đến lúc bị cấm hay hạn chế. Còn đứng ở vị trí khán giả, đã đến lúc các đài truyền hình cần phải sàng lọc kỹ các chương trình bởi giải trí là cần, là đúng, nhưng nếu lạm dụng quá thì sẽ biến người xem thành nạn nhân của những chương trình thiếu nhân văn.