“Loạn chuẩn” trong lý luận, phê bình văn nghệ

ANTĐ - Phê bình trên mạng như một “chợ trời” - tự do chửi bới, thóa mạ nhau không ai kiểm soát. Nhiều nhà phê bình cổ súy cho các xu hướng thương mại, kỳ quái, lai căng… thay vì cổ vũ cho những tác phẩm tử tế. Sự “nhiễu nhương” trong việc đánh giá, phê bình các tác phẩm văn học, nghệ thuật bắt nguồn từ việc lâu nay chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống lý luận chuẩn cho văn nghệ Việt Nam.

Lý luận phê bình tụt hậu khi thiếu vắng những tác phẩm chất lượng trên văn đàn

Hùa theo số đông, né “điểm nóng”

Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm, vai trò của lý luận phê bình văn học nghệ thuật là phải phân tích, đánh giá, định hướng hoạt động sáng tác văn nghệ, nâng cao các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật, tác động tích cực đến nhu cầu, thị hiếu công chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm qua, sự “tụt hậu” của lý luận, phê bình đã làm nảy sinh không ít những mặt trái. Nhiều tác phẩm thành công không được phát hiện kịp thời, trong khi những tác phẩm yếu kém cả về tư tưởng và nghệ thuật lại không bị ngăn chặn. Sự “tụt hậu” này thể hiện rõ ở việc, “không ít nhà phê bình chuyên nghiệp lảng tránh trước các hiện tượng, tác phẩm văn nghệ gây tranh cãi mà bạn đọc rất cần những tiếng nói đánh giá mang tính chuyên môn”. Không biết đây là biểu hiện của sự “nhiễu loạn” phê bình, hay đời sống văn học, nghệ thuật đang làm các nhà phê bình “ngán ngẩm”. Đáng nói, văn hóa phê bình trên nhiều tờ báo, tạp chí đang ở trong tình trạng hết sức “mù mờ”, nhiễu loạn thị hiếu.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hòa đề cập đến việc nhiều nhà báo còn “chàng màng” về kiến thức văn học, nghệ thuật, không am hiểu lĩnh vực mình đang viết, bởi vậy làm sao có thể viết bài báo có khả năng định tính tác phẩm, nâng cao khả năng cảm thụ cho người đọc. Ông thẳng thắn, đã có một thời gian báo chí hùa theo giới xuất bản để quảng bá “văn học Ling Lei” - một dòng văn học Trung Quốc, từng bị coi là “trần trụi, xác thịt và điên rồ”. Sau khi nó trở nên “nhạt trò” ở chính quốc thì lại tiếp tục ca ngợi cái gọi là “truyện ngôn tình”, thể loại ru ngủ người đọc bằng những câu chuyện sướt mướt, lâm li nhưng kết thúc đẹp đẽ chỉ có trong cõi mộng. Không lạ gì hiện tượng, một cây bút nào đó mới in một hai bài điểm sách nhanh chóng được báo chí tung hô thành “nhà phê bình”. Đó là chưa kể đến sự phát triển nhanh chóng của internet đang biến phê bình trên mạng thành một cái “chợ trời”, tự do chửi bới, thóa mạ nhau và mất kiểm soát. 

Nhà phê bình đi đâu?

Sự thiếu hụt những người phê bình văn nghệ chuyên nghiệp đang được coi là nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn, tụt hậu trong việc đánh giá, thẩm định các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Theo số liệu PGS.TS Đào Duy Quát cung cấp khi khảo sát ở nhiều nước Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Pháp…, lực lượng lý luận phê bình văn học luôn chiếm từ 20 đến 25% so với đội ngũ sáng tác. Ví dụ Hội Nhà văn Nga có khoảng 4.500 hội viên thì đã có 1.300 nhà phê bình, Hội Nhà văn Ba Lan có xấp xỉ 3.000 hội viên thì khoảng 800 người hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình. Những người này hoạt động rất thường xuyên, đồng hành, theo sát mọi diễn biến của đời sống văn học. Trong khi đó, nếu tính Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, ước chừng chỉ có khoảng 60 nhà lý luận trong tổng số gần 1.000 hội viên. Thử hỏi, những nhà phê bình uyên bác và có tầm ảnh hưởng như Hoài Thanh không hiểu còn xuất hiện trên bầu trời văn học nữa hay không? Hay đành phải chấp nhận một thực tế là, không ít nhà phê bình của chúng ta gần như đã “gác bút”, lui về hậu trường để tập trung nghiên cứu, khảo cứu, viết chân dung…, chẳng mặn mà gì với công tác phê bình. 

Đứng ở một góc độ khác, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, sự “chậm trễ” của lý luận so với văn học không phải chỉ ở việc thiếu hụt đội ngũ những người làm nghề có tâm huyết, mà còn ở sự thiếu vắng những tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật. Ông đề cập đến việc nhà văn Ma Văn Kháng đã nhiều lần lên tiếng tình trạng “không tải” của văn học. Trong đó những cuốn sách rất dày nhưng hàm lượng tư tưởng, dung lượng nghệ thuật lại… chẳng đáng bao nhiêu. Không có những tác phẩm đột phá, bám sát cuộc sống xã hội, thì bản thân nền văn học sẽ không đủ sức bật để lôi kéo, chinh phục bạn đọc. Và câu hỏi được đặt ra làm thế nào để phát hiện, phát triển và nuôi dưỡng tài năng văn học, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời.