Bi kịch từ thế giới người đồng tính (kỳ cuối)

Loại thuốc nào cho người đồng tính?

ANTĐ - Sự kỳ thị của cộng đồng đã làm cho cuộc sống của những người đồng tính rất khó khăn. Nhiều người vẫn coi đồng tính là không bình thường thậm chí là bệnh hoạn. Lối thoát nào cho người đồng tính, vốn đã đầy bi kịch?

Ảnh minh họa


Hậu quả của sự kỳ thị

Các tổ chức khác nhau đưa ra dự đoán hoặc ước tính số người đồng tính tại Việt Nam một cách khác nhau. Tuy vậy, theo một nghiên cứu của cố bác sĩ Trần Bồng Sơn, số đồng tính ước tính tại Việt Nam là khoảng 70.000 người. Nhưng theo một nghiên cứu khác do tổ chức phi Chính phủ CARE thực hiện tại Việt Nam, con số này lại vào khoảng 50.000-125.000 người. Nhìn chung thái độ của xã hội đối với đồng tính luyến ái là kỳ thị ở các mức độ khác nhau hoặc không thể hiện thái độ rõ ràng như phớt lờ, không quan tâm. Một tỉ lệ rất nhỏ người dân có thái độ cởi mở với người đồng tính. Nhiều người bắt đầu kêu gọi nên có thái độ cởi mở hơn đối với người đồng tính. Tuy nhiên chưa ghi nhận có sự khuyến khích, cổ vũ việc đồng tính luyến ái.  Những hành vi âu yếm của hai người cùng giới vẫn làm cho nhiều người cảm thấy ghê sợ. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bị tổn thương, kinh ngạc, giận dữ, hoặc hoang mang khi biết con mình đồng tính. Một số người tìm cách thay đổi con mình, trong khi một số người khác thì không quan tâm đến con nữa. Đã có không ít các ông bố, bà mẹ chạy đôn, chạy đáo tìm thuốc “trị bệnh” cho con khi biết con là les hay gay, thậm chí tìm mọi cách để tẩy não, thay đổi giới tính của con cái.

Có những ông bố “sốc” khi được tin cô con gái tốt nghiệp với bằng thạc sỹ đang cặp kè với một cô gái khác. Ông đã tự tay pha thuốc ngủ vào cốc nước chanh cho con uống rồi để người con trai theo đuổi cô 3 năm “thích làm gì thì làm”. Ông hy vọng khi “gạo đã nấu thành cơm” thì “sẽ tách được cô ra khỏi cô gái kia”. Hậu quả, sau khi biết bố mẹ tạo điều kiện cho mình ăn nằm với người đàn ông khác, cô con gái của ông như phát điên, phát dại. Và kể từ đó cô sống như một người câm. Báo chí cũng nhiều lần đưa tin về những vụ tự tử của những bạn trẻ tuổi đồng tính trước sức ép của bố mẹ và cái nhìn định kiến của mọi người. Đã có thời gian les, gay không dám thừa nhận mình...

Một chuyên gia tư vấn tâm lý nói rằng đa số những học sinh đồng tính thường có tâm trạng hoang mang, cô độc. Điều này có thể dẫn đến sa sút tinh thần, có thái độ bướng bỉnh, nhiều học sinh thường xuyên có ý định tự sát. Em Nguyễn Phương Hà, học sinh tại một trường học quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã viết trên blog của mình: “Tôi đã nhiều lần nghĩ đến cái chết. Có lẽ cái chết mới giải thoát được cuộc sống đầy cô độc và bi kịch của tôi bây giờ. Tại sao mọi người lại không chấp nhận tôi là người đồng tính. Nếu đến mẹ mà còn không thể chấp nhận được thì xã hội coi tôi như một thành phần cần tẩy não là đúng lắm thôi! Thật là cay đắng”.

Trên thực tế đã có những vụ tự tử của người đồng tính. 2h sáng 29-12-2009, tại Cầu Đen, sông Sài Gòn, người ta nhìn thấy hai cô gái nắm tay nhau, ôm chặt lội xuống sông và dần mất hút. Phải hơn một giờ sau, lực lượng công an đến mới đưa được hai thi thể lên bờ. Ngay sau đó, nạn nhân được xác định là hai cô gái đồng tính nữ.

Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường trên 3.231 đồng tính nam, 64% hoàn toàn giữ bí mật hoặc gần như bí mật về tình trạng đồng tính, 24% lúc công khai lúc bí mật và chỉ có 5% gần như công khai và 2% hoàn toàn công khai. Lý do không tiết lộ thiên hướng tình dục có 40% sợ xã hội kỳ thị, 40% sợ gia đình không chấp nhận, 28% sợ bị trêu chọc, bắt nạt và 10% sợ bị mất việc. Như vậy sự kỳ thị và những hậu quả của nó chính là nguyên nhân khiến cho người đồng tính không dám công khai sống thật với con người mình. Nhiều người đồng tính nam đã lập gia đình với phụ nữ và sinh con. Tuy nhiên họ không cảm thấy hạnh phúc và gây đau khổ cho người vợ của mình. Và hậu quả là với cách sống giấu mình, quan hệ với nhiều người đồng tính đã làm tăng nhanh khả năng bị HIV trong cộng đồng những người đồng tính.

Lời khuyên của các chuyên gia

Tại nhiều nước trên thế giới, người đồng tính và hôn nhân đồng tính đã được công nhận và coi như là một điều bình thường trong xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, những người đồng tính chưa được thừa nhận và hiện vẫn chưa có những quy định của pháp luật về hôn nhân đồng tính. Do đó cuộc sống của người đồng tính vẫn đầy bế tắc. Phần đông mọi người vẫn kỳ thị, xa lánh người đồng tính. Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, cho rằng: Để giảm bớt sự kỳ thị của mọi người với người đồng tính cần cung cấp thêm kiến thức về người đồng tính để họ hiểu hơn. Kiến thức đó bao gồm các khía cạnh như xu hướng tình dục không phải là sự lựa chọn của mỗi người mà đó là điều sẵn có, và đồng tính không phải là bệnh. Nó cũng không lây như nhiều người nghĩ. Khi có được những hiểu biết đúng đắn sẽ dẫn đến thay đổi về hành vi, thái độ với người đồng tính.

Còn Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý, trường ĐHSP TP HCM cho biết: “Đồng tính không phải là bệnh, không thể lây lan và không thể chữa được. Chính vì vậy chúng ta nên giúp những người đồng tính để họ có cuộc sống tốt hơn. Chúng ta có một số kỹ thuật để kiểm tra và tư vấn xem một người nào đó có phải đồng tính thật hay không. Đặc biệt là đối với học sinh. Học sinh đồng tính cũng có nhiều nhu cầu như mọi học sinh bình thường khác, như học tập, vui chơi, kết bạn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Những người tham gia công tác giáo dục trẻ em, những nhà chuyên môn, nhà tham vấn, phụ huynh cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này”.

Bác sĩ nam học Nguyễn Văn Sơn thì khuyên các phụ huynh có con đồng tính: Giữ kín bí mật cho con nếu con muốn giữ bí mật. Hãy là chỗ dựa tinh thần cho con. Bởi những đứa trẻ bị đồng tính đã bị rất nhiều áp lực từ xã hội, đừng để các em bị bất cứ một chút áp lực nào từ gia đình nữa. Không nên ép buộc các em thừa nhận là đồng tính mà hãy để các em  tự nói ra khi thấy đủ tự tin và cần thiết. Hãy để chính con là người quyết định cuối cùng trong mọi quyết định về lối sống (phụ huynh có thể tham gia với vai trò của một người tư vấn định hướng), vì chỉ như vậy những đứa trẻ bị đồng tính mới tìm được sự thanh thản và hạnh phúc.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm: Chúng ta nên có một thái độ đồng cảm đối với giới thứ ba và có định hướng tốt để giới trẻ nhận thức đúng. Bên cạnh đó, cần có cách tạo điều kiện cho những người thuộc thế giới thứ ba tham gia bình thường vào những sinh hoạt cộng đồng, kể cả sau này khi đăng kí kết hôn. Nếu như không được thừa nhận thì sau này sẽ có rất nhiều chuyện phức tạp liên quan như chuyện thừa kế, tài sản, con nuôi… Pháp luật một số nước cũng đã thừa nhận rồi, tại sao Việt Nam lại không?

Người viết xin trích dẫn lại tâm sự của một bà mẹ được ngưỡng mộ trên diễn dàn hieuvecon.vn như một lời kết của loạt bài viết về thế giới những người đồng tính. Chính bà là người đã tạo một lối thoát cho con trai mình: Khi bắt đầu biết con đồng tính tôi chỉ im lặng và lên mạng tìm hiểu thông tin. Sau đó tôi còn đến các trung tâm tư vấn nữa. Buồn thì buồn thật nhưng tôi không mắng nhiếc gì con cả. Sau 3 tháng tìm hiểu tôi đã gọi con lại và nói: Mẹ đã hiểu con rồi. Con là con của mẹ, mẹ sinh con ra chỉ mong muốn thấy con được hạnh phúc. Dù con có là ai, dị tính hay đồng tính thì con là đứa con mà mẹ yêu quý nhất. Hãy sống thật với chính bản thân con. Hãy là một công dân tốt. Mọi quyết định của con mẹ đều tôn trọng. Nếu một ngày con dắt một người con trai về giới thiệu là người yêu thì mẹ cũng rất mừng cho con. Mẹ sẽ làm một đám cưới thật linh đình cho con. Lúc đó thì mẹ sẽ có thêm một người con trai nữa”.

Thay vì đưa con đến bác sĩ tâm thần để mong con chữa bệnh, các bậc phụ huynh hãy đi tìm hiểu về thế giới người đồng tính. Hiện nay có rất nhiều CLB dành cho người đồng tính. Tại Hà Nội có CLB Hải Đăng, Đà Nẵng có Ánh Sao đêm, TP. HCM có CLB Bầu trời xanh, Khánh Hòa có Muôn Sắc Màu và Cần Thơ có Đồng Xanh. Bên cạnh đó diễn đàn Hiểu về con (http://www.hieuvecon.vn) cũng đăng tải rất nhiều các thông tin và những tâm sự của người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính. Qua diễn đàn, bố mẹ, người thân, bạn bè sẽ hiểu hơn và có cái nhìn đúng đắn hơn về thế giới của những người đồng tính.  Hãy chia sẻ tâm tư tình cảm của con, hãy là chỗ dựa tinh thần để con hòa nhập với cuộc sống.